Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Nhung vet xua













Tôi vẫn ước đa già còn đâu đó
Trên quê hương đất nước tôi thân yêu
Những nét xưa còn đó vẽ yêu kiều
Từng kỹ niệm ngàn đời hằng trân quí
NHỮNG VẾT XƯA
Nguyễn Billy Xương















Con viết bài ny kính dâng Cha M
Hai linh hn miên vin sng xa xôi
Nhưng vn ban ơn phước xung cuc đi
Cho con cháu càng ngày càng thnh vượng

Tôi xin tng gia đình, cô dì dượng
Cùng cháu con bè bn rt thân thương
Bài viết tôi r nét mt con đường
Đường k nim theo tôi t tm bé



Thay lời tựa

Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.
Những kẻ khốn cùng là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: "Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình"
Những kẻ khốn cùng cũng nổi tiếng vì đã được chuyển thể nhiều lần thành các vở kịch, bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới vở nhạc kịch cùng tên, thường được gọi tắt là "Les Mis" (viết tắt từ Les Misérables).
Tôi xin mượn câu chuyện trên để viết về cảnh sống của gia đình tôi ,“những kẻ khốn cùng”  ,khởi đi từ năm Ất Dậu(1944 -1945)  và đồng thời xin giới thiệu cùng bạn đọc một tác phầm bất hủ .Nhà văn Victor Hugo viết  “những kẻ khốn cùng”  bằng cái tưỡng tượng của mình, còn tôi, tôi viết về “những kẻ khốn cùng”  bằng  8 thành viên trong gia đình tôi và chính tôi.



Xin mời vào truyện

Chuyện tôi đi và về.

       Đã  có lần tôi vội vã ra đi, đi đâu ,làm gì và chính tôi, tôi không hiểu.Hỏi mây trời, mây trời quay lưng, hỏi núi sông , núi sông cúi mặt. Một lần đi chưa kịp làm mơ ước. Cứ cuốn trôi và gió ngàn sau lưng xua đuổi. Rồi thì như chiếc lá dạt trôi . Tôi đi như thế, có gió mưa làm chứng, có trăng sao soi đường Thế rồi, có ngờ đâu một ngày :

                               Lúc tôi đi rừng tàn theo chinh chiến
Nay tôi về rừng lá ngát xanh tươi
40 năm chưa hết một cuộc đời
                              Mà kỹ niệm còn nguyên trong biển nhớ

                               Tôi về đây một ngày tràn nắng mới
Hoa tình thương nở rộ đóa bao dung
Những vết xưa tuôn đổ đến vô cùng
Và từng bước tôi quay về quá khứ

Mời bạn đọc khúc đời tôi lưu trữ
70 năm khốn khó và vinh quang
Ta cùng nhau nâng  nhẹ tiếng tơ đàn
Và từng bước theo tôi về dĩ vãng







PHẦN I
Những ngày tháng ở Việt Nam
Bắt đầu trí nhớ  :

A. Mẹ tôi và nạn đói năm Ất Dậu (1944-1945)
  • Nguyên nhân trực tiếp là những hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương. Các cường quốc liên quan như Pháp, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam và gây nhiều tai họa ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của người Việt. Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra khiến miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo nên càng bị đói.
  • Nguyên nhân gián tiếp là sự tệ hại của chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam, với những biện pháp cải cách kinh tế nhằm phục vụ chế độ và nhu cầu chiến tranh, do tại nước Pháp khi đó đang có chiến tranh và cũng đang bị xâm chiếm.
  • Nguyên nhân tự nhiên cũng góp phần vì thiên tai, lũ lụt gây mất mùa tại miền Bắc.
  • Dịch tả. Tiếp theo là Lũ lụt. Tả gặp lũ như diều gặp gió. Không có nghiên cứu thống kê chính thức liên quan đến Pháp, Nhật.

Tôi còn nhớ, ngày hôm đó có đoàn người đi bộ trên con đường quốc lộ I. Con đường nầy ngay trước mặt nhà tôi. Họ qui tụ rất đông trước sân nhà, có người lã ra, ốm yếu và phờ phạc,  nằm chết bên vệ đường. Mẹ tôi nấu một một nồi cháo thật bự, tôi không nhớ là cháo gì, tôi chỉ biết và rất thích thú múc cháo ho họ. Sau nầy tôi mới biết đó là năm Ất Dậu (1944-1945).        [Để tìm hiểu thêm xin xem cuốn:NẠN ĐÓI NĂM 1945 Ơ VIỆT NAM Gs Văn Tạo và người đồng nghiệp Nhật Bản Gs Futura Moto do Nhã Nam và NXB Trí Thức cho ra đời.]           Đã có 2 triệu “những kẻ khốn cùng”  Việt Nam bị chết đói.  Mẹ tôi cũng xin một cô bé để làm con nuôi, cô đó còn sống, năm nay đã trên 80, chúng tôi gọi là o Luy. Lúc đó tôi không thấy có đói khát gì với nhà tôi(cá  đầy ao, lúa đầy bồ) như vậy trong thâm tâm, tôi thuộc con nhà giàu, chưa thấy gì là khốn cùng.


Mẹ tôi và nồi cháo cứu sinh

Ất Dậu tơi tả đói tả tơi
Triệu người nằm xuống, chết rả rời
Mẹ tôi may mắn còn lúa gạo
Phân phát cho dân cứu bao người

Một nồi cháo nóng đem ra ngỏ
Một người một chén để cầm hơi
Có người sống lại nhờ cháo ấy
Nhắc đi nhắc lại suốt một đời

Năm ấy tôi cũng vừa năm tuổi
Nhìn xem lòng mẹ quá thiết tha
Cứu người cô thế vào cỏi chết
Nồi cháo cứu sinh quá mặn mà

Lòng con nhuộm thắm tình nhân ái
Từ mẹ cho con ý giao hòa
Đời con dù có lần gian khổ
Nhưng ơn phước mẹ vẫn chan hòa
Nguyễn v Xương(mẹ tôi-nvx)

B-Bánh ít lá gai
Mỗi sáng, trước khi đi học, mẹ tôi phát cho mỗi đứa một chiếc bánh lá gai. Chiếc bánh màu đen như cứt trâu, một cái chỉ “lủm “một miếng thật gọn gàng trong miệng, vừa thơm vừa béo vứa ngọt.

Ngàn năm tôi chưa quên hương vị nầy
 Nhớ hoài như nhớ mùi sữa mẹ
C-Đi xe hơi

Lần đầu tiên tôi được đi xe hơi. Hôm đó, một ngày mùa xuân trời quang và rất đẹp. tôi và hai anh tôi, cả ba được mặc áo dài the đen và quần trắng, sau nầy khi đọc truyện của nhà văn Nguyễn Vỹ, tôi thấy mình lúc đó cũng giống hình ảnh “Tuấn chàng trai nước Việt” mà ai đã đọc báo: Phổ-Thông ắt đều rất rõ về nhân vật này.. Ba anh em chúng tôi được đi xe ngựa vào thăm ba  tôi , người đang làm việc tại quận Hải Lăng, khi trở lại, chúng tôi được đưa đi trên chiếc xe Citroen màu đen nệm trắng. Ba chúng tôi không ngồi mà chỉ đứng, trong xe mà chiếc nón vẫn trên đấu, để nhìn cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát và những cây đa, cột đèn cứ quay quanh mình . Cảm tưởng nầy in khắc trong đầu tôi mãi mãi . dẫu còn rất bé thơ mà sao tôi đã nhận thức được rằng : Quê hương mình đẹp quá. Ý tưởng đó theo tôi mãi hoài, cho nên khi xa quê, tôi đã bật ra những câu thơ sau:

Trả lại tôi cánh đồng mùa lúa chín
Cây đa xưa và chùa miếu thôn làng
Nơi ngàn năm sông nước rộng mênh mang
Nơi tôi sống những ngày vui tuổi trẻ
(Trả tôi sông núi-thơ-NvX)
            Kỷ niệm từ bé thơ giữa Ba Mẹ tôi và tôi thời bé bỏng chỉ tới đó mà thôi. Đó là những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi vẫn hoài ghi nhớ. Lúc chúng tôi xuống xe, mọi người trong làng đều tấm tắc khen ngợi, đẹp quá là các con của gia đình  hoc thức . Trong đầu óc non nớt lúc đó , tôi rất kiêu hãnh: mình thuộc về gia đình quyền quý.  Thật thế, ba anh em chúng tôi sống những ngày vui trên quê hương thật đẹp
Nhưng than ôi! Ý tưởng đó không sống  nổi hai tháng.Lúc đó tôi chưa được đi học, hai anh tôi thì chưa hết tiểu học và nghe đâu thời đó không có trường học. Tôi nhớ, vào một ngày, nhà tôi đầy lính Nhật. Chúng ăn uống, la hét và đóng quân trong khung vườn đầy hoa lá. Tôi thấy cha tôi tiếp chuyện với chúng và tôi nghĩ chắc cha tôi làm chức gì lớn lắm Họ trò chuyện khá thân mật và tôi nghĩ đây là những người bạn chứ không phải hung hăng như bọn lính Pháp.Hình như chúng  cũng đem đến cho chúng tôi một chút bình yên: Không còn lính Pháp bố ráp.
Mỗi cuối tuần, ba tôi về nhà bằng con ngựa rất đẹp. Tiếng lóc cóc của con ngựa khi tiến vào nhà và hình ảnh oai vệ của ba tôi cứ in mãi trong ngăn nhớ bé thơ của tôi.Tôi cứ nghĩ ba tôi chắc là ông quan lớn lắm.Con ngựa của Ba tôi trông rất hiền lành, nó có cái đuôi thật dài và đôi mông đít tròn lẳn và hai hòn dái dài thòng và láng mượt. Anh tôi(Nguyễn Văn Khánh) rất thích nó, thường cho nó ăn củ mì khô .Dáng đi đứng của nó thật nghiêm trang và oai vệ . Một lần anh Khánh rờ hòn dái, nó nhột và đá trái nhằm vào mí mắt, bây giờ anh còn mang vết sẹo.Chúng tôi, những đứa con trai lóc nhóc, thấy cái oai vệ của con ngựa, trong lòng thấy vui vui 0ra làm sao . Những cảm tưởng yên vui đó như một thoáng , rồi  sau đó không lâu,làng tôi đã trở thành bãi chiến trường. Pháp đã trở lại. Cả làng phải di tản trốn dặc. Nơi gia đình tôi đến tránh giặc Pháp gọi là Nà Mua  và cũng từ đó cuộc sống gian truân bắt đầu.
  Gia đình tôi có sáu người, được ở trong một thung lũng riêng biệt, có sẵn nhà cây lợp tranh và một miếng đất trồng củ mì. Ba anh em chúng tôi ngày ngày bắt ốc, hái rau dọc khe suối,còn mẹ tôi thì thỉnh thoảng về nhà cũ kiếm gạo và bắt tôm, cá đem về  để nuôi chúng tôi. Cha tôi hoạt động cách mạng và mãi xa nhà, thỉnh thoảng người vể rất dè dặt và lén lút. Tụi Pháp thường canh chừng để bắt cho được cha  tôi. Vào một đêm chúng bao vây căn nhà tìm bắt cha tôi, Người vội vàng chạy ra đằng trước thì gặp một người lính Viet Nam, hắn bảo”bác chạy ngả sau đừng chạy ngã trước” nhưng cha tôi cứ chạy ngã trước vì nơi đó có hầm bí mật của người thì bị bắt .Anh Khánh cũng bị bắt theo, nhưng đi được một đoạn dường thì chúng thả ra. Anh tôi kể lại , cả nhà chỉ biết khóc. Và than ơi! một lần nữa người phải vào tù. Bốn mẹ con bây giờ hắt hiu giữa núi rừng hiu quạnh  Lúc nầy mẹ tôi đang mang bầu và sau 3 tháng người sanh hạ một thằng cu kháu khỉnh. và được đặt tên Nguyễn Văn Khê. Và thế giới có thêm “một kẻ khốn cùng” Những ngày đói rách và cô đơn kèm theo sự cực nhọc quá sức làm mẹ tôi ngã bệnh, lại là bệnh dịch tả nên chỉ một đêm người đã qua đời lúc mới 43 tuổi. Người đã để lại trên trần gian 4 đứa con trai, đứa đầu 8 tuổi và đứa út mới có 3 tháng. Sữa  đâu gạo đâu để nuôi thằng bé , thằng Khê. Trong cảnh khốn cùng ,ba tôi đem nó gởi vào nhà thờ La vang, mong chờ ngày mai mặt trời lại sáng nhưng mặt trời không bao giờ mọc trên gia đình tôi nữa. Từ đó vỉnh viễn chia ly. Tôi vẫn có một niềm tin nó còn đâu đó trên trần gian nầy, có thể bây giờ là một Linh Mục hay là một thương gia.
Cơn đau ngày mất mẹ
 Làm sao tôi nói hết những niềm đau lúc ấy.
 Mẹ đột ngột ra đi, chúng con hụt hững.
 Còn đây mẹ ơi, bốn  đứa, bốn  đứa bé mồ côi.
 Mẹ ơi bốn đứa bé mồ côi giữa núi rừng.
Con còn bé ,nghe tin mẹ tắt hơi.
Tắt hơi giữa núi đồi không một que hương,
 Không một chiếc áo  tẩm liệm.
Hai người gánh thuê vội vàng chôn mẹ,
 Rồi tiếp tục chạy trốn giặc
Vội vàng về nhà báo tin
Báo tin cho bốn  thằng bé chẳng biết gì.
Mẹ đi một mình lạnh lùng giữa hoang vu
Chồng đâu, con đâu, biệt tăm không tiếng khóc
Không lời giã từ, không áo khăn giờ vĩnh biệt
Mẹ đã bao lần đẻ ,bao lần cưu mang
Thế mà giờ đây ở đâu hai cô con gái lớn
Ở đâu nơi nào hở hai cô!!!
Mẹ muốn gởi cho hai cô bốn thằng bé  ngây thơ
Nhưng giây phút cuối hai cô biệt tăm
Mẹ ra đi im lìm lạnh lùng chốn rừng thưa
Sông suối Nà Mua cưu mang đời mẹ (khóc mẹ-nvx)
Sau gần hai năm sống chui rúc trong rừng không ai chịu nỗi, lần lần dân về lại làng lo trồng trọt. Lúc đó làng mạc không còn nhà mà chỉ toàn lau sậy, đó đây thây người chết lây lất cả ruộng đồng. Chúng  tôi vẫn còn có cha  nhưng người đang ngồi tù . Thế nên chỉ còn lại  ba anh em, người lớn nhất mới 12 tuổi và hai đứa em bơ vơ..
    Tôi còn quá nhỏ, được một ông thầy, bạn của ba  tôi nhận nuôi cho ăn học như lời nhắn gởi của ba tôi nhưng thực ra  ông ta chỉ cho tôi làm ruộng và giữ trâu.  Trong tù, ba tôi nghe được chuyện nầy , người rất bất bình và bảo tôi về với chú. Thế  là chuyện học hành của tôi không ai nghĩ đến. Già hay trẻ lúc đó chỉ lo miếng cơm. Không chịu nỗi cơ cực của lao tù, cha tôi  thành  bịnh và qua đời lúc tôi được 10 tuổi. Những đứa chúng tôi không còn cha mẹ bắt đầu cô độc và sống lao đao trong cảnh khốn cùng. Ba anh em đành phải chia thành ba nơi để kiếm sống. Người  anh lớn đi ra học nghề may quần áo, anh giữa đi tập kết ra Bắc, còn tôi ở lại với ông chú , nuôi tôi và tôi chỉ là con thú.
Sau một thời gian không lâu, tôi được một người quen (đã giúp tôi thoát khỏi nhà ông chú, lắm cơ cực) đưa tôi ra học may tại thị xã Quảng Trị. Nơi đây tôi được gặp anh tôi, ảnh đang học may tại tiêm may gần với tiệm của tôi, tôi nhớ là tiệm ông Thùy. Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau, ảnh thường mướn xe đạp để tập cho tôi . Hai chúng tôi, hai đúa bé mồ côi, an ủi nhau qua năm tháng nhọc nhằn, trên thành phố rách rưới sau chiến tranh. Phần anh tôi cũng chẳng sung sướng gì, có lẽ ảnh nhìn ra sắc sống của ngày mai không ra gì nên anh cũng tìm cách thoát ly bằng cách khai thêm tuổi để đăng vào lính Commando của Pháp. Tôi nhớ khi anh đăng vào lính, anh có chụp hình và cho tôi coi, trông anh thật oai vệ, anh rất đẹp trai, lòng tôi rất vui và mong mai sau mình cũng như thế.
Về phần tôi, nói là học may nhưng người ta có cho học gì đâu mà chỉ dùng để sai bảo việc nhà. Tôi chỉ là một thằng bé nô lệ không hơn không kém . Hằng ngày tôi phải lau rửa nhà cữa, đổ rác và nấu ăn cho 10 người thợ .Tiệm may không có phòng tắm cũng như không có phòng ngủ và cũng không có cầu tiêu. Đêm đêm 10 người thợ chúng tôi phải ngủ ở vĩa hè . Ngoài nhiệm vụ thường ngày, tôi còn lo việc đổ cứt cho ông  bà chủ .Tiệm may không có cầu tiêu, ông bà chủ đi ngoái vào một bịch giấy, tôi phải mang nó đem đổ vào thùng rác ngoài phố. Tôi thật rât đau khổ về việc làm nầy .Tuy vậy lúc đó tôi có được cơm ăn và áo mặc hơn lúc ở nhà quê rất nhiều. Tôi đã ngậm đắng nuốt cay hơn bốn năm và học được một nghề rất xuất sắc: nghề may áo dài  bằng tay(luôn lồng). Sau này chính nhờ nghề đó mà tôi được biết chữ và tự học cho đến đại học, một điều chính tôi không bao giờ dám nghĩ tới cũng không bao giờ dám mơ ước. 
Những kỷ niệm vui thời học may
A-Chén cơm mắm duội
Tôi thường đi chợ và nấu ăn cho cà gia đình gồm 10 người thợ. Tôi không biết gì về việc nấu nướng. Một lần ra chợ tôi gặp bà bán thịt bò, tôi hỏi mua  5Kg, bà trố mắt nhìn tôi ”nhà có tiệc hay sao mà mua nhiều đến thế”. Tôi bảo “chi nấu nồi canh cho 10 người”. “thế thì ½ ký là đủ”  bà nói , bà còn hoỉ thêm “cậu nấu canh gì”. Tôi thật ú ớ, bà mới chĩ cho tôi nấu canh thơm. Bà ta rất tốt, chỉ dẩn cho tôi cặn kẻ, từ đó tôi nấu canh thơm hằng ngày, những người thợ khen tôi nấu ăn ngon. Và rồi , ngày nào tôi cũng mua thịt bò bà ấy,những lần sau bà còn ướp sẳn và còn tặng tôi:
Một chén cơm chan mắm duội,
chén cơm ngon, khó lòng tôi quên
Bà cho thêm chút ớt
Và không quên vò đầu tôi.(Cơm mắm duội, thơ NX)
B-Ăn sáng khỏi trả tiền
Mỗi buối sáng tôi là người có nhiệm vụ đi mua 10 gói xôi cho các “trự”học may,hay hiếp đáp tôi, cô bán xôi, thường nhìn tôi bằng hai con mắt rất là trìu mến, thường khuyến mãi cho tôi một gói. Thế là tôi ăn sáng “free” và tôi cũng hơi biết yêu từ đó.
 Cô bán xôi ơi tôi nhớ hoài,
Bây giờ không biết nhớ dến tôi
Cô còn ở đó hay rời khỏi.
Thành phố buồn vương tận cuối trời(cbx  nvx)


Bỏ học nghề may
    Từ một chuyện nhỏ, vào một hôm tôi có nhiệm vụ dẫn con bé 4 tuổi (Trần Thị Thanh Lệ),con ông chủ đi chơi, cô ta  bị té và  tôi bị một trận đòn chí tử. Ông chủ  tôi là ông Trần Thanh Hiệp đã “ban tặng”  tôi một cú loi lên đầu bằng chiếc nhẫn vàng vuông một lượng, một dòng máu chảy dài từ đầu đến cằm. Tôi đứng trân người, từng giọt máu lẻn vào môi, tôi nghe mằn mặn. Và tôi đang uống từng giọt đắng cay từ đấy. Ông đã trút vào thân tôi một cơn giận và bao lời nguyền rủa “Thằng khốn nạn ngu xuẩn, dốt nát” . Tôi nhẫn nhục hứng lấy tất cả bằng sự im lặng, không khóc la, không trả đủa, không giải thích…. Nuốt tất cả nỗi khổ đau vào tâm can và quyết định “ Bỏ trốn”. 
Trước khi đọc tiếp, nơi đây tôi xin mở một dấu ngoặc:
[  Năm 1964 tôi nhận được một lá “thư tình” từ cô Trần Thị Thanh Lệ , cô cho hay là không bao giờ quên tôi và cô vẫn tìm tôi hoài. Và năm 1966, tôi gặp ông Trần Thanh Hiệp ở Sai Gòn. Ông cho hay ông đã bị sạt nghiệp, nay ở SG để xây dựng lại. Ông cũng kể cho tôi nghe, những đứa em của ông vào lính..Ông mời tôi về nhà và đải tôi bữa cơm. Căn nhà ông đang thuê là một cái nhà sàn trên dòng sông nước đen ,bốc mùi xú uế và dường như dòng sông nước không chảy. Ông có hỏi tôi về việc học hành, tôi chỉ nói Thanh Lệ đã biết, tôi xin không nói thêm. Ông không nhớ gì “chuyện xưa” và tôi cũng không nhắc lại..Vết thương đó đã phai đi , được khỏa lấp và nhờ nó mà hôm nay tôi đang là sinh viên đại học Sài Gòn. Ra về, Lệ tiễn tôi ra cữa, đôi mắt nàng bịn rịn như muốn nói điều chi.]
Về lại quê cũ, nửa ngày làm ruộng, nửa ngày đi học trường làng. Khổ ơi là khổ, tôi đang nếm niềm đau khác, nhưng dầu vậy , tôi đã thoát ly vòng nô lệ của tiệm may mà cũng được đi học là tốt lắm rồi Nhưng chưa được ba tháng, trường bị dẹp bỏ vì bất hợp pháp.  Nhà chú nghèo, không có gạo để nuôi cháu. tôi lại rơi vào cảnh đói rách khác Những người em con chú không hề có sự yêu thương nào mà chỉ có bắt nạt và ức hiếp.Ông chú tôi và các em tôi  là những người rất đặc biệt, hầu như họ không có con tim và nếu có chỉ là những trái tim cằn khô. Nhửng ngày tôi sống ở đó như một cây chùm gửi .Quá cam khổ nhưng tôi đành cắn răng chịu đựng , âu đó cũng là quyết định của mình .Tôi đã  trải qua một trận kiết lỵ tưởng như đã chết. Tôi phải đi bộ gần 10 Km để nhờ người quen đưa tôi chữa bịnh tại một binh viện Tây ở thảnh phố Quãng Tri. Một người y tá đang làm cho bịnh viện Tây mà tôi đã quen được lúc còn học may đã lén lút chữa cho tôi .Sau khi lành bịnh ,tôi quay về và tá túc tại nhà chị tôi tại làng Thạch Hãn. Chị quá nghèo không đủ ăn, tôi phải đi bán bánh mì và cà rem để sinh nhai. Sau một thời gian kiếm được tiền, tôi xin vào trường tiểu học Long Hưng, cách nhà khoảng 3 cây số. Tôi cũng được sự giúp đở của chị rất nhiều, không bao giờ tôi quyên ơn chị đả cho tôi những nắm cơm và chén mắm duội, đem theo vào lớp vào những ngày học tại Long Hưng Lúc đó tôi đã 15 tuổi nhưng giấy khai sinh khai 12 tuổi nên được xếp vào lớp nhì. Thật sự tôi có biết gì đâu mà vào học lớp nhì. Một kỷ niệm khó quên, ông thầy kêu tôi đứng dậy hỏi:: “ Muốn tìm diện tích hình vuông ta phải làm sao?”. Tôi đang ú ớ thì ngưới bạn ngồi bên cạnh nhắc tôi: “Cạnh nhân cạnh”, tôi lặp lại và thầy khen “Giỏi, ngồi xuống”. (Người đó là Nguyễn Cương, bây giờ làm lớn trong Viện Kiểm Sát).Tôi thấy quê quá và quyết chí học cho bằng các bạn mà còn học làm sao cho hơn mọi người nữa cơ. Tôi học được ba tháng lớp nhì rồi nghỉ hè. Trong ba tháng hè tôi làm đủ mọi thứ để có tiền vào học lớp nhất. Ước mơ của tôi là làm sao có cái bằng tiểu học là tôi toại nguyện lắm rồi. May mắn sao hè đó tôi đi bán cà rem, gặp phải mùa kiệu của người Công giáo tại nhà thờ La Vang. Tôi làm “đầu nậu” và kiếm được khá tiền. Sau hè vào lớp nhất, bạn bè trong lớp bầu tôi làm trưởng lớp. Và tôi học rất giỏi. Tôi đã làm một bài luận, thuộc loại văn tự thuật:Chiếc cày hư kể lại đời mình. Tôi vẫn nhớ hoải phần kết luận.”Lữa ơi ngươi hảy ban cho ta một ân huệ, môt ngọn lửa thôi, ta sẽ là lản khói bay về cùng quê quán năm xưa, nơi đó ta có rừng xanh là quê hương nguồn cội cũng như đàn chim và thú rừng là bằng hữu muôn đời”. Về phần học tiếng Pháp tôi lại học thuộc lòng bài La Rentrée . Tôi vẫn còn nhớ câu đầu: je vais vou dire ce que me rappellent tou les an le ciel agité de l’autome (tôi sắp nói cho các bạn những gì làm cho tôi nhớ lại, vào những  năm khi bầu trời mùa thu rung động).Chính bài luận đó và bài thuộc lòng đó mà thầy Hoành đả một lần chú ý đến tôi, thầy hỏi tôi về gia cảnh .Tôi học thuộc lòng rất mau, thầy khen và đề nghị cho tôi học bổng. Tôi nhớ là tôi lãnh được ba trăm đồng nhưng chị tôi phải vào nhận, chị mừng rơi nước mắt. Tôi đứng nhất suốt năm học, môn học nào cũng giỏi duy chữ viết thì rất xấu vì thật ra đời đi học của tôi, tôi chưa bao giờ có thì giờ mà ngồi tập viết. Thế là đến hè năm đó, cậu bé thợ may lấy được bằng tiểu học. Tôi toại nguyện và khoe với rất nhiều bạn bè. Tôi đã có đủ can đảm bước vào đời và biết nở với nhân gian một nụ cười..Tôi đã thoát ly sự mù chữ và như thoát ly được cái vòng nô lệ đã bám lấy tôi bao nhiêu năm.
Kỹ niệm vui lúc học tiểu học trường Long Hưng

Khi tôi vào đó thì ngôi trường đang thời đổ nát. Tôi thì mới biết đọc và viết. Ngồi dưới mái tranh dột nát đơn sơ lòng tôi nghe chừng một niềm đau của cái kiếp nghèo.Một ngày,vào buổi thi học thuộc lòng hay là ca hát, tôi chọn phần ca hát, tôi đã hát bài Làng Tôi. Không ngờ tôi được cả lớp hoan hô. Thầy Liệu đề nghị tôi làm trưởng ban văn nghệ. Thế là mỗi tuần chúng tôi đóng kịch và hát hò cho trường vui.Mỗi lần sinh hoạt là mỗi lần chúng tôi được hoan hô. Nhân lúc đó hội chợ Quãng Trị bắt đầu mở, tôi đề nghị với thầy Liệu xin tham gia phần văn nghệ cho hội chợ để kiếm tiền cho trường học. Thầy đồng ý và chúng tôi thử.Thầy viết vở kịch “ tình trong như đã mặt ngoài còn e “. Tôi thủ vai cô gái và phần hát thì chọn bài Ngày Về  và bài Ai Về Sông Tương tôi đã nghe hai bai đó nhiều lần qua cái loa phóng thanh lúc còn học may và chính tôi đã say đắm nó.Sau đêm diễn đầu tiên chúng tôi được sự hoan hô nhiệt tình và yêu cầu diễn ba đêm. Họ đã trả thù lao cho chúng tôi thất hậu hỉ, thế là chúng tôi có được một số tiền khả dĩ mua được ít vật liệu cho mái trường rách nát.Ngày hoàn tất ngôi trường mới, hội phụ huynh học sinh làm một con bê thui cho buổi tiệc và tôi được chọn đọc bài cám ơn.Tôi thật không bao giờ quyên được cái run sợ, lần đầu tiên đứng đọc bài văn trước quần chúng. Vì quá run sợ, nên trước khi đọc tôi xin hát một bài. Hội trường cho phép, tôi được hoan hô và giúp tôi thêm can đảm để đọc bài diễn văn “rơi nước mắt”. Thầy Liệu ôm lấy tôi và khen tôi “quá xuất sắc”.
    Mùa hè đi qua, năm đó bạn bè rủ tôi thi vào  đệ thất Nguyễn Hoàng. Tôi ham lắm và cũng thèm, nhưng tiền đâu. Bấy giờ tôi đã 17 tuổi, phải ra đời và kiếm sống. Sẵn biết chút nghề thợ may, tôi đành quyết chí “lập nghiệp”.”Nhất nghệ tinh, nhất thanh  vinh”. Đúng lúc đó anh tôi trong quân đội có lương , anh cho tôi tiền mua một cái máy may. Thế là tôi trở thành một thợ may chuyên nghiệp.
Ngày tôi bỏ học
Không gì buồn bằng ngày tôi bỏ học
Lăn vào đời để kiếm lấy miếng ăn
Trách quê hương sao cứ mãi khô cằn
Đem nghèo khó khoác lên đầu tuổi trẻ

Tôi chỉ là, chỉ là một thằng bé
Tuổi măng tre mong được đến mái trường
Cùng bạn bè cùng chữ nghĩa thân thương
Thế mà mãi lao dần đời lao động

Đường đến trường xanh tươi và mở rộng
Ngày tựu trường bè bạn đến xênh xang
Riêng mình tôi thèm ngắm đứng đầu làng
Đếm từng đứa đi vào đời mộng ước

Tôi nhìn tôi giữa cuộc đời xuôi ngược
Mang niềm đau của một kẻ ngu si
Yêu học hành, tôi nào có tội chi
Sao ép buộc tôi xa dần đèn sách

Đôi chân rắn và đôi tay chưa khuyết tật
Cùng buồng tim đang dệt những ước mơ
Tôi vẫn mong vẫn mơ vẫn đợi chờ
Nợ đèn sách một ngày tôi sẽ trà (thơ-nvx)

Tự học rồi thi vào đệ tam trường Quốc học-Huế
    “Nợ sách đèn quyết trả lúc nầy xong
    Cầu xe ngựa lúc đi về mới tỏ”
      Đọc được hai câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ, tôi bổng tự nhiên xoay hồn mình về một hướng: hướng học hành cho nên thân. Khoảng hơn một năm sau, tôi nhìn những người bạn vào trường Nguyễn Hoàng, người nào tôi cũng thấy sao mà đẹp trai và thông thái quá chừng. Nhìn lại mình, sau khi bỏ trường ra làm ăn sao mà ngu si và xấu xí quá. Bao nhiêu người tôi gặp, họ như dèm chê tôi. Những câu nói, lời chào như là những câu nhạo báng. Lòng không yên: tôi quyết chí học tiếp và theo cách riêng của mỉnh “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tỉnh, lên đoài đoài tan”. Bàn máy may của tôi có hai hộc trái phải, hộc trái để sách Pháp văn, hộc phải để sách Toán đố.Tôi vừa tự học vừa học hàm thụ Tôi cũng quy tụ được 60 ngưởi, để cùng nhau mướn trường  và thầy để dạy thêm.Cứ như thế sau hơn một năm, tôi lấy hết cam đảm thi vào lớp đệ ngủ trường Bồ Đề và trường Thánh Tâm Quảng Trị. Trời cho hay sao, tôi được nhận vào cả hai trường, nhưng tôi chọn trường Thánh Tâm. Mới học ngày đầu ông thầy Việt Văn cho học trò học bài Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh và thầy nói trò nào học thuộc bài này trong một đêm, thầy sẽ cho hai con hai mươi. Tối hôm đó tôi đọc thuộc và trả bài trơn tru, duy có mình tôi được hai con hai mươi, tháng đó tôi nhất lớp và tháng sau cũng như thế, kết quả tôi được học miễn phí. Mùa hè năm đó tôi quyết chí kiếm tiền bằng cách đi “may vá áo dài” ở tiệm may ngoài thị xã. Sau khi đã kiếm được một số tiền để lo đủ quần áo và sách vở cho lớp đệ tứ năm tới, tôi thấy còn thiếu tiền ăn và học phí. Ngõ cụt này khó giải quyết đây, không lẽ lại bỏ học. Than ôi là khó. Một ngày đẹp trời tôi rủ một đám bạn bè đi xe đạp vào Huế chơi. Chúng tôi phải đạp xe từ Quảng Trị vào Huế mất một ngày. Đêm ngủ lại Huế trên trần những chiếc xe đậu ở bến xe. Chúng tôi ngao du ở Huế một ngày, đói thì vào quán cơm xã hội. Trong mắt tôi Huế sao mà đẹp quá. Tôi ngồi bên sông Hương mà trong lòng tràn dâng nhiều ước mơ: “Huế ơi xin cho tôi một chổ dung thân. Tôi sẽ làm thân trâu ngựa sao cho gần, gần ước mơ”
Huế ơi ! Huế  đẹp quá

Tôi ở nhà quê mới tới đây
Nhìn Huế chao ơi đẹp thế nầy
Tôi muốn ôm ngang màu xanh biếc
Hôn lên màu nước dáng tóc mây

Con đường Lê Lợi hàng phượng nở
Soi bóng mềm bay xuống dòng Hương
Bay bay tà áo về Đồng Khánh
Nô nức ngày vui buổi tựu trường

Nao quá sao mà nao nức quá
Huế ơi cho tôi chổ dung thân
Tôi sẽ làm thân, thân trâu ngựa
Sao cho được gần gần ước mơ(nvx-58)

 Bài thơ tôi làm đầu tay và chỉ cho mình tôi đọc khi tâm trạng ngồn ngang và lòng yêu thương sông núi đất trời tràn đầy . Bài thơ như có thần linh, đọc xong đã thấy linh nghiệm. Đang lang thang thì tôi gặp một người bạn Quảng Trị vào học tại Huế. Tôi không đánh mất cơ hội nên vội giải bày tâm sự của mình. Người bạn mau mắn giới thiệu cho tôi một gia đình có bảy đứa con đang tìm một gia sư. Tôi đến gặp và được nhận liền. Lòng tôi vui mừng khôn xiết. Một chân trời mới đang mở ra cho tôi. Bây giờ nhắc lại cảm tưởng hôm đó như sống lại ngày hôm qua. Tôi đi giữa phố Huế, lòng nao nao. Mưa thu bay bay, hàng phượng đỏ trên đường Lê Lợi như chào đón, tôi hân hoan vô bờ. Tôi muốn mở hết lồng ngực ra thật lớn để hít hết cả không khí mát lành của xứ Huế ngảy hôm đó. Huế đẹp quá và lòng tôi đang mở hội vì thật sự từ hôm nay tôi bắt đầu thoát ly khó khăn, ngày mai tươi thắm đang chào đón và tôi sẽ vươn mình phấn đấu.

Những kỷ niệm học lớp đệ tứ 
trường trung học Bồ Đề Huế
    Ngày  đầu vào lớp là mọi người phải qua cái màn tự giới thiệu. Tôi là học sinh ơ xa mới tới, tôi lên đứng trước lớp và tự giới thiệu “Tôi tên là  Nguyễn Văn Xương, quê ở Quãng Trị, xin chào các bạn. Và các bạn thông cảm cho tôi vì lời nói quê mùa, khó nghe. Sau đó là màn bầu trưởng lớp. Tôi được đề cử và trúng cử tối đa. Thế là cả lớp cười tôi “Lớp trưởng là tên “Sịa””. Học sinh ở Huế dùng tiếng “Sịa” để chỉ các “Trự” quê mùa. Qua ngày sau, giờ đầu gặp thầy toán. Thầy ra một bài toán quỹ tích với năm câu hỏi, thầy kêu trò nào làm được thì lên bảng. Bài toán quá dễ nhưng không trò nào dơ tay. Cả lớp im như tờ. Bài đó tôi thuộc lòng trong bụng nhưng vì sợ bị “hố” mà không dám dơ tay. Người bạn ngồi bên cạnh(thằng Nam) hỏi tôi “Mày làm có được không mà tao thấy mày cứ bồn chồn. Tôi nói bài đó ở trong bụng tao này. Nó cầm tay tôi đưa lên. Tôi được nó giúp can đảm và làm được câu thứ nhất rồi về chổ. Những câu hỏi sau thầy dành cho những trò khác, nhưng không ai đưa tay. Thầy hỏi tôi có làm tiếp được không ? Tôi “dạ thưa được”. Thế là tôi lên bảng làm trọn vẹn năm câu. Cả lớp đều nhìn tôi, thằng “Sịa” trông quê thiệt là quê mà lại khá. Ông thầy dạy toán đó là thầy Thái, thầy cao lớn, đẹp trai, trắng như bông bưởi nhưng lại là méo miệng. Thầy Thái cũng là thầy cố vấn của lớp tôi Cả năm học thầy rất thương tôi và thường hỏi tôi về gia cảnh.   [ Chính thầy đã giúp cho tôi khi tôi làm hồ sơ thi vào Quốc Học. Số là trường Quốc Học đòi hỏi thí sinh phải có học bạ thất lục ngủ tứ. Tôi tìm đến thầy Thái và nhờ “vấn kế”. Thầy bèn làm cho tôi một giấy chứng nhận là đã dạy cho tôi tại nhà trong 3 năm Thất Lục Ngũ.]    Sau tháng đó tôi được nhất lớp. Thầy Hiệu trưởng Lê Mộng Đào kêu tôi lên văn phòng hỏi về gia cảnh của tôi và cấp cho tôi học bổng của trường “miễn đóng học phí”.
 Năm đó tôi học khá và thật nhẹ nhàng. Duy có một việc rất khổ là việc làm gia sư. Tôi nhận dạy kèm cho 7 đứa con trong một gia đình từ lớp đệ thất cho đến các lớp tiểu học. Ông bà chủ thì tốt, duy có ông cụ rất khó tính. Ông không cho được 1 ngọn đèn để học bài, tôi thắp đèn dầu ông cung không cho luôn, tôi phải học bài dưới ngọn đèn đường.
Học bài trên bến giặt
Năm học đệ tứ trường Bồ Đề
Dạy kèm vài đứa trẻ loe ngoe
Người ta tằng tiện từng cây nến
Tôi phải đêm đêm học vĩa hè

Dưới ánh đèn mờ trên bến giặt
Tôi học bài pha với ánh trăng
Nhìn lên tôi hỏi nhỏ chị hằng
Có thấy đời tôi sao khốn khổ

Bên dòng sông Hương đêm xuồng lạnh
Tôi nghe chua xót cảnh cơ hàn
Ngưởi đi xuôi ngược hờ hững quá
Đâu biết lòng tôi đang thở than

Cứ thế từng đêm lại từng đêm
Làm thơ làm luận ở góc thềm
Đèn đường hờ hững màu phai úa
Lòng tôi phai úa, úa phai thêm

………..
Nhìn cô giặt áo bên dòng nước
Muốn hỏi làm quen mà ngại ghê
Có khi tôi thấy cô len lén
Nhìn tôi thằng bé sao ngô nghê

Có khi tôi thấy tôi sao thế
Ngô nghê mà thật quá ngô nghê
Đê cho cô bé nhìn không nói
Trìu mến nhìn tôi gã ngô nghê(nvx-58)
  Cơm ăn thì trưa nào tôi cũng phải đợi ăn chung với mấy người thợ làm xe đạp. Giờ họ ăn là giờ tôi phải vào lớp. Trưa nào cũng thế, tôi vét một nắm cơm nguội, chấm với mắm duội vừa đi vừa ăn để đến lớp cho kịp giờ. Ban đêm tôi ra bến giặt học bài dưới ngọn đèn đường. Nơi đây tôi gặp một học sinh cùng lớp nhưng khác trường(Đoàn Văn Hòa, 103 Phan Bội Châu)). Hàng đêm thường gặp nhau để trò chuyện. Một lần  hắn đưa cho tôi bài toán nhờ tôi giải, tôi chỉ búng tay thì ra đáp số. Hắn ngạc nhiên và hỏi tôi lần khác cũng là toán nhưng hơi khó hơn, không có lần nào tôi bí và có lần cao hứng tôi nói “hảy đem những bài khó ở cuối sách xem sao, tôi làm được hết vì thật ra cuốn sách đó tôi đã nghiền nát trước khi vào Huế. Sau đó hắn yêu cầu tôi kèm toán cho nó. Hắn đang có một sinh viên y khoa kèm toán nhưng nó không thoải mái cho lắm. Thế là hắn dẫn tôi về gặp mẹ nó và bà rất vui mừng nhận tôi để thay thế cậu sinh viên y khoa kia. Bà còn cho tôi một phòng học và phòng ngủ. May mắn cho tôi làm sao. Nhà có O Khuê (người làm của bà chủ) lo cho tôi một ngày ba bữa rất tươm tất. Thế là tôi rời khỏi chổ củ, nơi mà tôi phải chịu cảnh cơ cực ba tháng. Cuối năm đó hai chúng tôi đều đậu bằng trung học. Bà chủ mừng lắm và bà rất thương tôi. Sau này dù tôi không có ở đó nữa nhưng mỗi lần đến thăm là bà đối xử với tôi rất tử tế. Như lần tôi trốn lên Đà Lạt cũng nhờ tiền của bà cho và lo cho tôi rất chu đáo. Một kỷ niệm thật khó quên.
Sau một năm học, tôi nhận được bằng Thành Chung. Chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng  của tôi. Tôi về gia đình và tìm gặp bạn bè cùng là thợ may của  để khoe với mọi người là tôi đã có bằng trung học. Mọi người không tin và tra hỏi tôi rất cặn kẻ. Rồi hè năm đó tôi thi đậu vào hai trường chuyên nghiệp: giáo viên và y tá. Và như thế ước mơ của tôi đã thành. Tôi đem chuyện tôi đậu trường chuyên nghiệp kể cho cậu em họ Nguyễn Lô, học sinh Nguyễn Hoàng, trước tôi một lớp nghe. Hắn nói với tôi đừng nên đi trường nghề mà nên tiếp tục học cho đến đại học mới đúng tầm vóc của anh, và hiện giờ, hắn biết,  trường Quốc Học đang có một lớp đệ tam B trống chỗ. Tôi nói với hắn, bỏ đi, làm sao mà vào trường Quốc học được, đó chỉ là cái trường trong giấc mơ mà thôi. Mà thật thế, khó vào lắm, họ chỉ nhận 60 người mà đơn nộp thì đến mấy ngàn, tôi hoàn toàn không có hy vọng vào trường công, mà đó lại là trường trung học Quốc Học, một trường nổi tiếng của quốc gia Việt Nam thời bấy giờ. Hắn còn nói thêm “Anh cứ thử đi có tốn cắc bạc nào đâu”.Thế là tôi nộp đơn thi. Đâu ngờ ngày xem kết quả có tên tôi Nguyễn Văn Xương 10-5-1943 Đại Nại, Quảng Trị. Thấy tên trên tấm giấy nhỏ mà lòng cứ nghĩ thật hay chiêm bao đây. Và thật sự chưa bao giờ tôi thấy cái tên tôi đẹp như thế. Tôi đem tin này báo cho một người bạn và hắn mừng cho tôi bằng một món quà:  một chiếc áo trắng và một bảng tên thêu màu đỏ QH một gạch đỏ.Chính em gái hắn thêu cho. Kỷ niệm thật khó quên. Ngày nhập học vào lớp đệ tam B Quốc Học có em gái hắn đi theo để chia vui. Mình tôi không có ai chỉ có hắn và em gái hắn. Nỗi mừng vui tôi chỉ chia sẻ riêng với nàng. Tôi chỉ nói với nàng là tôi rất nâng niu cái bảng tên mà nàng thêu cho, nàng cười và không nói chi, chỉ có ánh mắt long lanh nhìn tôi vào lớp…
Từ độ tôi quen nàng, nàng chỉ cười  không nói . Có khi đôi mắt nàng xa xăm vời vợi., trìu mến nhìn tôi không nói một lời (em gái bạn tôi, thơ nvx)
Vào được trường Quốc Học mà lòng tôi cứ âu lo, mặc cảm ít học trong tôi ấp đầy, không biết có học nổi hay không và vẫn không tin vào sức mình. Sau ngày đầu vào lớp, tôi đã được bầu làm lớp trưởng. Ngày hôm sau, cụ giám học VĂN ĐÌNH HY kêu tôi lên văn phòng và báo cho tôi làm đơn xin học bổng. Chỉ một tuần sau tôi được báo tin có học bổng toàn phần. Thật may mắn cho tôi, lòng tôi quá đỗi vui sướng nhưng với điều kiện là phải đứng nhất lớp. Nghe nói mà lòng quá sợ.. Than ôi, được vào cái lớp 60 người tuyển chọn từ hàng ngàn người thì làm sao tôi có thể tranh vị thứ được đây, nhưng có lẽ do lo quá nên tôi cố gắng hết sức và giữ được vị thứ nhất trong 7 tháng và chỉ hơn người thứ nhì ¼ điểm. 60 cậu học trò toàn là người giỏi, đa số là con của những người tai to mặt lớn trong xã hội. Trong đó có một tên mà tôi không bao giờ quên tên hắn: CHÂU NGỌC BỈNH, hắn làm toán nhanh như máy, tôi chỉ hơn hắn một chút về môn văn mà thôi. 

Vào trường Nguyễn Hoàng
              Hè  1962 tôi về Quảng Trị để xin “luôn áo dài” ngoài thị xã như những năm trước mong kiếm tiền cho năm học tới. Trên đường về, tôi thường đi ngang qua trường Nguyễn Hoàng. Tôi hỏi dò xem có thể chuyển trường được không thì lại may mắn gặp được thầy THÁI MỘNG HÙNG . Thầy cho tôi biết có thể và ngay học bổng cũng xin được. Thế là tôi được xếp vào lớp đệ nhị B 62-63. Mộng ngày xưa vào Nguyễn Hoàng nay đã thành sự thật. Lớp tôi đa số người lớn tuổi và thật tình mà nói học sinh Quảng Trị khác với Quốc Học rất nhiều. Nơi đây họ chăm học và rất thông minh. Tôi được bầu làm trưởng lớp vì một lý do duy nhất là ngày đầu tôi lau bảng và làm vệ sinh rất sạch sẽ. Bạn bè rất thương tôi vì tôi là môt học sinh nghèo nhất lớp. Vì quá nghèo nên khi có thì giờ riêng là đi “luôn áo dài” để kiếm tiền xài và có khi làm suốt cả đêm. Hết năm đệ nhị tôi đậu tú tài nhất kỳ đầu.. Lúc đó tôi muốn vào trường Bộ Binh Thủ Đức nhưng bạn bè và gia đình can ngăn, vì tuổi tôi chỉ rớt một năm là bị đi lính. Tôi gọi tuổi tôi đứng bên bờ vực thẳm. Nhưng tôi có tính hay đi tìm hiểu và tiếp tục hy vọng.
A.Cảm Tưỡng Tôi Và QUẢNG TRỊ

Sau gần 4 năm xa thành phố thân yêu, lần này tôi về, lòng tôi mang mang những cảm tưởng mới lạ. Thành phố như khoe một sắc diện mới hay trong tôi có đổi thay. Vẫn là Xương nhưng không là Xương ngày trước, một Xương khoác chiếc áo trắng thư sinh của trường trung học Nguyễn Hoàng chứ không phải Xương thằng bé nô lệ ngày nào. Lòng tôi phơi phới vui vui, tôi thấy đâm ra yêu đời, yêu con phố thân yêu và yêu hết mọi người và tôi cũng thấy yêu tôi nhiều hơn. Xương hôm nay đầy thoải mái, có lẽ đó là phát triển do giấc mơ xưa đã đạt thành.

Vào ngày nghỉ học, tôi thường về lại thăm nơi xưa, bạn cũ. Niềm vui mừng trong tôi cho dù mất mát bạn thân cũng khá nhiều. Tôi tìm cô bán xôi thì cô đã đi rồi, cô đi lấy chồng, âm thầm, không biết cô có còn nhớ đến tôi. Tìm bà bán thịt bò, bà đã đi xa vĩnh viễn. Lòng tôi chợt thấy buồn, không gặp bà để cám ơn bà chén cơm chan mắm duội, sao bà vội vã ra đi khi tuổi già chưa đến. Tôi tìm đến tiệm may cũ, Trần Thanh Hiệp đã sang cho người khác, đi lập nghiệp trên Quy Nhơn.


B.Mối tình lơ lững

Tôi gặp nàng, Tôn Nữ Kim Chi, tình cờ trong một quán nước bên đường. Lúc đó, nàng đang ngồi với một người bạn, Tôi tiến vào quán, một mình ngồi vào cái bàn gần bên. Tôi nhìn nàng một thoáng, cùng lúc nàng nhìn tôi, giấy lát chúng tôi nhận ra nhau. Nàng thay đổi quá nhiều, thật tôi rất ngạc nhiên. Bây giờ nàng không là Chi, cô bé lọ lem của gần 4 năm về trước. Ô hay! Mà tôi cũng ngớ ngẫn, 4 năm qua bây giờ nàng là 19, lúc tôi quen nàng, nàng chỉ mới 15. Trong phút giây, trong tôi như có cái cảm giác thân thiện và ngọt ngào. Tôi nhìn nàng rất lâu và nàng cũng không dấu được niềm vui ngời sáng trên con mát nhìn tôi. Chúng tôi trở thành thân mật rất mau chóng. Tôi trả tiền nước và không quên xin phép nàng trả cho nàng luôn. Nàng “nguýt” tôi một cái dài thật dễ thương và duyên dáng “Chà hồi này ngon dữ quá hé, thôi đi anh đang đi học mà tiền đâu. Tôi đáp: “Xương bây giờ không là Xương ngày xưa”. Tôi nắm tay nàng ra đến đường cái mà nàng cứ để yên, tay tôi như được truyền một hơi ấm mới: hơi ấm của tình yêu. Khi chia tay tôi nhắc nàng món nợ ngày xưa, tôi nhấn mạnh và ý nàng phải trả. Nàng âu yếm nhìn tôi: “nợ gì ? Chi đã quên”. Tôi nhắc nàng: “Ciné Đại Chúng”. Đôi mắt rực sáng “À nhớ rồi”. Thế ra cả hai đứa đều không quên, một lần tôi đãi nàng một vé cine đại chúng. Tôi hỏi nàng film gì hôm đó, nàng chỉ nhớ là film Ấn Độ, tôi nhắc thêm: “Tình Tiên Duyên Tục” đề cuốn film. Cuộc hẹn hò cách nay 4 năm mà cả hai cùng nhớ, thật là diệu kỳ. Tôi nói với nàng “Giữa hai chúng ta có cái duyên kỳ lạ, hai cái đầu một trí nhớ”. Nàng nhìn tôi  hơi e lệ và đôi mắt long lanh. Một giây nàng trấn tỉnh “Rồi, Chi hiểu, Chi sẽ trả món nợ đó, nhưng không có lời đâu nha, và lúc nào?”. Chúng tôi chia tay trong niềm lưu luyến và chờ hò hẹn ngày mai.

Mối tình không tiến xa mà cũng không tới gần. Chúng tôi có với nhau những ngày rất thân ái. Có khi nàng muốn tiến xa hơn nữa mà bỏ quên cái ngọc ngà đời thiếu nữ, nhưng tôi thì rất tha thiết với học hành: “Mùa thi sắp tới em thơ, chiếc hôn âu yếm xin chờ năm sau” (Xuân Diệu). Ít lâu sau tôi thi đậu tú tài I, vào Huế, tôi say mê học hành, quên mất Tôn Nữ Kim Chi. Ngày tôi thành chuẩn úy, về lại Quãng Trị, gặp Kim Chi nay đã hai con và chồng đang hành quân xa. Tôi nắm tay nàng và nàng cũng nắm tay tôi, trên con đường làng Thạch hản đầy bóng tối mà chỉ có hai con tim rực sáng soi dần lối đi hẹp.Tôi có nghe bây giờ nàng đang định cư tại Mỹ với chồng và 5 con.
Những kỷ niệm khó quên của năm học đệ nhất B12 Quốc Học (1963- 1964)
       Sau hè đệ nhị tôi vào lại Huế vô tình gặp người bạn học cùng lớp đệ tam Quốc Học năm trước. Hắn hẹn tôi trở lại Quốc Học ở  lớp đệ nhất B12 để cùng hắn làm văn nghệ  cho vui. Thế là tôi trở lại Quốc Học. Khi lớp học được một tháng thì phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm của Phật giáo bắt  đầu sôi động. Tôi tham gia vào hàng ngũ sinh viên học sinh tranh đấu xuống đường, hô hào bãi trường bãi chợ. Được sự khuyến khích của thầy HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, nên tôi tranh đấu cho đến năm 1965.
      Tôi  đã bỏ thì giờ rất nhiều vào cuộc tranh đấu nầy, cái bằng tú tài của tôi cơ hồ  như “đi đoong”. Tôi đã trôi đi như  chiếc lá trong đoàn biểu tinh. Đến ngày thi mà  trong đầu toàn là chuyện tranh đấu, nhất là ngày tôi được chọn làm đại diện học sinh Quốc Học đi dự ngày giỗ cụ Ngô Đình Khả. Trong ngày đó tôi có gặp tướng Trần Văn Đôn, bà Ngô Đình Nhu và rất nhiều nhân vật tai mắt trong chính quyền cụ Diệm. Nhân lúc nầy, tôi có dịp nhìn thấy tấm bia cụ Ngô Đình Khả bị sét đánh nứt một đường, nhiều người truyền miệng với nhau “Điều không hay”. Chính vì tận mắt thấy cái điềm gở đó, tôi rất tin vào sự lung lay của chính quyền ông Ngô và tôi đã hăng hái đấu tranh một cách điên khùng. Hăng hái đến nỗi suýt nữa bỏ học, vì đến ngày thi mà đầu óc tôi trống rỗng không có chữ nghĩa gì hết. 
Kỷ  niệm vui ngày thi Tú tài II

Tôi đậu tú tài II năm đó như là  một phép lạ vì cà năm lo đi tranh đấu. Số là tôi đi ban B, toán hệ  số 5 và vật lý hóa học hệ số 4. Thật tôi lo lắm, nhưng khi đọc đề thi toán, người tôi như nhẹ đi và muốn như trôi trên không: Bài thi quá dễ. Tôi không ngờ Bộ ra cái bài thi gì mà dễ như thế. Nhưng than ôi! Kỳ nhất năm đó đậu được 10% cả nước. Tại sao? Số là ở câu thứ hai môn Toán, người thư ký đã đánh dư một chữ “Tiêu”. Thay vì nói: « Cho một điểm M(2,4),chứng minh điểm M thuộc đường Ellipse ». Người thư ký đánh thêm chữ TIÊU và cái câu đó trở thành. “Cho một tiêu điểm M(2,4) chứng minh điểm M thuộc đường Ellipse ». Tôi đã phớt lờ và bỏ chữ TIÊU và làm xong bài toán gần hai giờ. Còn gần ½ giờ nữa là kết thúc, thì Bộ đánh điện ra: Yêu cầu thí sinh bỏ chữ “TIÊU”. Lúc đó thí sinh bỏ ra về hơn nửa lớp. Người ngồi bên cạnh tôi là cô Nguyễn Thị Minh Xuân bỏ ra về khi gặp chữ “TIÊU” quái ác kia. Còn lại tôi và anh Lê Quang Xáng. Sau giờ thi đó, Xáng và tôi gặp nhau, hai thằng làm được bài và chỉ có hai duy nhất trong 60 thí sinh. Tôi và nó đi ăn kem và nhìn nghiêng vào trường Đồng Khánh Quốc Học, lòng thấy tươi mát lâng lâng . Đến khi vào thi vấn đáp môn Pháp ngữ, tôi gặp cụ Khánh, một cụ già nghiêm nghị. Mới vào cụ đẩy một tràng tiếng tây. Tôi chỉ hiểu lẩm bẩm, là: “Trong bài thơL’ isolement (thú cô đơn) của Alphonse De Lamartin, có câu nào tượng trưng cho tính chất lãng mạn của tác giả”? Tôi đáp ngay: “Le soleil des vivants n’échaufe plus les  morts”.Mặt trời của người sống, không sưởi ấm được lòng người chết. Cụ vỗ đùi cái “bạch”   « Tres bien.! » Tôi nhẹ người bước ra khỏi phòng.Tôi cũng thầm trách thầy, sao cho tôi câu hỏi quá khó đối với học sinh ban B, câu nầy chỉ dành để hỏi các trự ban C mới đúng;và tôi cũng thầm thương thầy sao mà biết được con tim lãng mạn của tôi muôn đời “cưu mang” một câu thơ bất hủ mà không bao giờ quên.Câu thơ đó nằm trong bốn câu :

Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente
N'éprouve devant eux ni charme, ni transports,
Je contemple la terre, ainsi qu'une ombre errante
Le soleil des vivants n'échauffe plus les morts. »
Tạm dịch :
Cảnh vật đẹp nhưng lòng tôi canh cánh
Hồn tôi vương từng quạnh vắng hững hờ
Cúi đầu xuống, thấm thía kiếp bơ vơ
Nắng kẻ sống sao sưởi lòng kẻ chết
 (xin xem toàn bài thơ ở Phần Phụ)

..Bầu trời xứ Huế sao hôm nay nên thơ thế: “Tôi đậu: chó ngáp dầm ruồi” Thế là tôi trở thành ông “TÚ”.
Sau đó tôi có gặp cụ VĂN ĐÌNH HY và cụ cho hay, tôi có thể nộp đơn xin qua Mỹ du học theo học bổng của Columbia. Đơn của tôi bị bác vì sau khi công an điều tra: “Tôi là người có liên hệ anh em tập kết ra Bắc”. Tôi đang mang một cơn đau khác trong cuộc đời. Một thằng bé nghèo, có thể bị xã hội ruồng bỏ. Giá như lúc đó tôi có tiền và có người đỡ đầu thì đời tôi có thể bay xa hơn. Sau khi đậu tú tài II tôi có thể thi vào Đại học sư phạm, nhưng than ôi! Tiền! Tôi phải cần thì giờ để kiếm sống trước, vậy là tôi phải chọn đường học tự do. Dễ dàng hết sức là vào học lớp MPC  (Toán-Lý-Hóa) trường Đại học Khoa học Huế. 

Năm học MPC Huế
(1964-1965)
      Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, cuộc tranh đấu vẫn kéo dài và phong trào chống Mỹ  bắt đầu dữ dội. Tôi sung vào đội sinh viên Huế từ lúc Phật Giáo chiếm lấy Đài Phát Thanh Huế trong ngày Phật Đản, tôi được anh Tiêu Giao Bảo Cự đưa vào làm xướng ngôn vì giọng đọc của tôi nghe được. Nơi đây tôi gặp Nguyễn Đắc Xuân, Vĩnh Kha và “các ngài” trụ cột trong phong trào Phật Giáo. Sau đó tôi được lệnh cùng sáu sinh viên vào Đà Nẵng, chiếm lấy đài phát thanh. Tôi có nhiệm vụ vừa xuớng ngôn vừa viết bài tranh đấu. Tôi nhớ một người sinh viên sư phạm Toán là anh Huỳnh Ngọc Phiên. Tôi chưa thấy người nào thông minh và giỏi như anh Phiên. Hắn viết bài chống Mỹ rất hay mà làm Toán cũng rất giỏi. Tuy vậy, anh ta chỉ là tranh đấu giấu mặt. Vào Đà Nẵng được hai tuần thì chúng tôi bị bố ráp, tôi và “đồng bọn” phải chạy bộ về lại Huế và có tên đi Côn Đảo. Trở lại Huế chúng tôi phải vào lớp vì lúc đó có thầy ở Sài Gòn ra dạy mỗi tháng 3 ngày. Tôi dốc lòng  học và vừa học vừa trốn.
 Năm học nầy đi qua thật lắm cam go, thầy thì không đủ mà sách vở cũng không. Trường có được một thư viện mà chỉ có một cuốn sách toán bằng tiếng Pháp.Hằng ngày tôi phải đến sớm để được ưu tiên, nơi đây tôi gặp một cô học cùng lớp(Đinh Thị Kim Thuận), nàng hỏi tôi để hoc “ké”, hai đứa học chung hằng ngày.Nàng không đẹp nhưng rất dễ thương. Từ dạo học chung, tôi đã như bị thất lạc tâm hồn.Có khi tôi muốn ngõ lời và muốn khen nàng đẹp, cách nào tôi cũng thấy lố bịch và tôi rất sợ mất nàng. Nàng là con nhà giàu, một cành vàng lá ngọc, tôi “mê” mà không dám ngõ. Một lần hai đứa làm bài toán giải tích với phương trình Y=1/X, tôi giải bài đó bằng bốn câu thơ:
Nhan sắc em, Hyperbole kiều diễm
Hai nhánh dài tiệm cận tọa góc vuông
X bằng không Y dán đoạn luôn luôn
Vì có dạng Y bằng một trên X (Thơ vui toán hoc nx)
 Tôi chuyền cho nàng “bài giải” đó, nàng ngạc nhiên nhìn tôi. Rồi sau đó, tôi thấy hình như nàng hồng hào và hình như đẹp hơn và sắc nhìn tôi cũng khác hơn, nhất là đôi mắt nàng sao mà mềm mại và ươn ướt, lòng tôi khó diễn tả những khác biệt đó. Trong tôi len lén mối tình câm .It lâu sau không gặp lại , nghe đâu nàng đi du học :
Anh Biết Em Ði

 Anh biết em đi chẳng trở về,
Dặm ngàn liễu khuất với sương che.
Em đừng quay lại nhìn anh nữa:
Anh biết em đi chẳng trở về.
.(thơ-Bs Thái Can)

  Rồi ngày thi MPC đã đến. Thật sự lúc vào thi, tôi chỉ mơ màng với chữ nghĩa. Tôi thi đậu mà  lại rớt. Số là khi làm bài, tôi làm không phải tệ  nhưng khi coi bảng thi không có tên. Sau đó tôi lên văn phòng xem điểm, ông thư ký cho hay tôi bị trừ 2 điểm trong sổ lớn “vì lý do chữ xấu và luộm thuộm trong môn toán của thầy Trần Nhật Tân .Tôi tim gặp thầy và xin thầy một câu giải thích. Vừa mới gặp thầy thì thấy phán một câu. “Cậu có nhớ tôi gặp cậu một lần la cà quán cafe và suốt một năm cậu đi tranh đấu. Tôi bật khóc và kể cho thầy nghe nỗi cơ cực và khốn khổ con đường học vấn của tôi. Thầy nghe và tỏ ra rất ân hận. Lỡ rồi, thầy không thể làm gì được. Khổ cho tôi, năm đó, vì biến động chỉ có một kỳ và không có kỳ thi thứ hai. Thầy cũng nói giá như có kỳ hai thì tôi không thi cũng đậu. Cuối năm đó thầy Tân được đổi vào Cần Thơ, lúc đó trường Đại Học Cần Thơ vừa mới mở. Thầy có nói với tôi là bây giờ theo thầy vào đó, thầy dạy môn nào, cứ theo thầy chỉ 3 năm sẽ ra cử nhân toán. Tôi vui mừng lắm, nhưng than ôi! Tôi không tiền và tứ cố vô thân. Sau năm đó tôi thui thủi trở về nhà trọ cũ mà ngày xưa tôi dạy học cho người bạn của năm đệ tứ. Bà chủ cho hay là công an đã đến đây và ngay đêm đó công an vào nhà và tôi nhanh chân trèo lên cây ổi sau nhà. Tôi thoát khỏi bởi hành động như con chuột. Bà chủ nhà bảo tôi: “Cậu phải trốn ngay ngày mai” Bà bảo tôi tối nay lên hãng máy bay và trốn trong kho hàng và ngày mai có người đưa ra máy bay. Lúc đó chính quyền có lệnh không cho sinh viên Huế xuất tỉnh. Bà chủ giúp tôi lên máy bay bằng con đường hàng hóa.  Thế là tôi với một người bạn (TÔN THẤT TRAI) thoát lên Đà lạt trên chuyến bay Air Việt Nam Huế- Đà Lạt. Nơi đây tôi tiếp tục tranh đấu bằng cách nghe lệnh thầy Thích Trí Quang đưa bàn thờ xuống đường, lúc đó tôi đang ở Villa của Nguyễn Hữu Hào thì bị động ổ. Tôi và người bạn một lần nữa trốn về Sài Gòn bằng xe đò. Thật lắm gian nan cho hai đứa chúng tôi trên con đường trốn thoát. 
      Năm học MPC Saigon
    .Tôi trốn vào Sài Gòn và ghi danh vào lớp Toán-Lý-Hóa tại  Đại học Sài Gòn. Nơi đây đấu tranh xuống đường tiếp diễn.  Tôi  cùng sinh viên Sài Gòn chống lại tướng NGUYỄN KHÁNH trong Hiến chương bán Vũng Tàu cho Mỹ. Tôi cứ nghĩ cuộc đời mình tiêu tùng từ đấy.  Đến đất Saigon hoa lệ mà một sinh viên nghèo như tôi, xa lắc từ miền Trung và tứ cố vô thân, lại lao vào vòng tranh đấu, thật nguy hiểm cho tính mạng, bao lần suýt bị bắt. Tranh đấu mà hàng ngày phải lo cho cơm áo toát mồ hôi. Tôi phải đi dạy kèm ở hai nơi mới đủ sống . Có một kỷ niệm không bao giờ quên được.
A-Tôi làm trưởng ban học tập cho lớp MPC
Số là mới vào nhập trường, tôi được bầu làm trưởng ban học tập cho lớp MPC, bởi một lý đo quá đơn giản: Nghèo và là Miền Trung. Năm đó, Bộ Quốc gia giáo dục cấm không cho các thầy dạy bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh mà phải nói tiếng Việt. Mặc dù là người Việt nhưng quý thầy đều tốt nghiệp bên Pháp, họ nói tiếng Pháp rành hơn tiếng Việt. Như thầy Lý Công Cẩn dạy môn Điện, nói tiếng Việt không tốt, các bài tập của các thầy đều chuyển qua trưởng ban học tập, tôi  quay roneo, phát cho sinh viên. Đa số các sinh viên yếu pháp văn, tôi phải dịch ra tiếng Việt. Thế là tôi có nhiệm vụ làm cái việc dịch thuật và tôi chỉ xin một bản vài xu ,  và mọi người đồng ý. Cám ơn trời đất tôi rủng rỉnh có tiền xài.
B-Bài thi MPC năm 1966
        Một kỷ niệm  khó quên nữa là bài thi MPC năm 1966. Đề thi không khó, 5 câu hỏi và 3 giờ làm. Thế mà chỉ đậu được 12 người trong 1200 sinh viên dự thi. Số là bài toán nầy đã có làm trong lớp và tôi còn nhớ ông thấy đã nhấn mạnh vài điểm, không hiểu sao cái đầu của tôi lưu trữ được những điểm nhấn mạnh đó. Tôi ngồi làm bài xong mà bán tín bán nghi, thí sinh lần lượt ra về và ngay lớp tôi chỉ còn 3 người ngồi ba góc. Tôi làm xong mà không dám nộp bài, viết đi, viết lại nắn nót từng nét chữ, cứ sợ rơi vào trường hợp như năm trước với thầy Trần Nhật Tân ngoài Huế. Mãi đến lúc gần hết giờ, thầy giám thị đi ngang, liếc nhìn bài làm của tôi, tôi liếc mắt nhờ thầy xem có đúng không. Thầy lui tới một vài lần và lần cuối thầy lén đưa một ngón tay cái lên, lúc đó tôi yên lòng, thở phào và nộp bài, vội chạy ra ngoài tìm các bạn để hỏi. Không còn ai ở sân trường, chỉ gặp những người bạn ra cùng lúc. Sau khi trao đổi với các bạn đó, thật sự không ai giống ai. Kết quả ra sao còn trong bóng tối. Đến ngày đi xem kết quả thì than ôi quang cảnh quá hổn loạn. Hơn một ngàn người đứng chờ xem bảng dán mà kết quả chỉ là một tấm giấy nhỏ bằng bàn tay. Đám đông đập cửa kính và vằm nát bảng kết quả, sau đó kết quả được đọc trên loa phóng thanh, chỉ vỏn vẹn 17 sinh viên được vào thi thực tập và vấn đáp. Trong 17 tên có 5 người thi viết đậu từ năm trước, như vậy năm đó 1200 người thi chỉ đậu được 12 người, một kết quả thật bi thảm. Tôi trở về Trung Tâm Quảng Đức, 294 Công Lý, hỏi thăm bè bạn ai đậu ai rớt. Than ôi! 60 sinh viên cùng lớp MPC và cùng trọ học cùng một cư xá, rớt hết chỉ mình tôi đậu. Hoang vắng và hoang vắng làm sao, cả một cư xá vắng người, ngay người bạn thân nhất, cùng chung phòng cũng bỏ đi đâu. Mình tôi lang thang đi kiếm tìm bạn thân là Nguyễn Văn Lợi. Hắn đã bỏ đi đâu, sách vở không còn một mảnh. Sau đó, sức học của tôi vẫn còn và tôi được ghi tên vào học lớp cử nhân . Tôi ghi một lần 4 tín chỉ: Điện học, Toán thuật trong vật lí, Quang học, và Toán số ….Nhờ kiến thức đó đã tạo cho tôi một bàn đạp khi qua Hoa Kỳ.
Những kỷ niệm năm học Cử Nhân Đệ Nhị Cấp(1967-1968)
Cuối năm 1967, môt lần ăn trưa với Miên Đúc Thắng, Phạm thế Mỹ và vài người bạn văn nghệ khác, PTM đề nghị thành lập đoàn văn nghệ 100 người 50 nam 50 nữ. Chúng tôi nghe được, và sau 1 tháng chúng tôi qui tụ được 100. Tôi dự phần tuyển mộ, trưởng ban y trang(vì tôi là thợ may)và kéo màn.Tôi đem ra cho người thợ may ngoài phố thì họ đòi 3 triệu đồng, như vậy thì không thể được vì chúng tôi xin tiền từ Thầy Thích Thiện Minh chỉ được 1 triệu. PTM rơi vào thế bí và không thể thành lập đoàn hát được.
Sau một ngày suy nghĩ và nghiên cứu giá vải ở Chợ Lớn, tôi nhận làm không công và giá của nó chưa tới triệu. Nghề thợ may của tôi một lần nữa được đem ra xử dụng, thầy Thích Thiện Minh đã cho tôi một số tiền, khả dỉ mua được chiếc xe “Pusch” Sau khi hoàn tất đầy đù, đoàn chúng tôi lưu diễn hai tuần Đá Lạt và Nha Trang.
Eo ơi, đoàn văn nghệ bị theo giỏi và chúng tôi chỉ diễn được hai nơi, rồi “tắt”. Trung tâm 294 Công Lý trở thành trung tâm “Phản Chiến”, hú hồn cho cái thân phận của tôi. Năm đó nếu không có anh Trần Quang Thuận(cựu Bộ Trưởng Xã Hội) thì chúng tôi là bầy ong vở tổ.
    Những kỷ niệm thật khó quên, có khi  nhắc lại mà tôi vẫn còn thấy nó như mới vừa hôm qua. Bây giờ ngồi đây viết lại những gì đi qua trong đời tôi, càng nhắc tôi càng nhớ thêm, chừng như không bao giờ dứt mà tôi thấy dấy lên một cái gì đó vui vui mà cũng hơi tiếu lâm.
Tôi còn trí nhớ và chưa thui chột,
 cho bạn bè sau một chuổi phân ly”
              Tôi tiếp tục học tiếp lớp Cử nhân TLH. Đến năm Mậu Thân 68, bộ quân dịch ra lệnh tổng động viên, năm  đó dù có đậu hay rớt cũng phải nhập ngũ. Nhận thấy nếu đi bộ binh thì dễ bị  phơi thây ngoài chiến trường nên tôi tình nguyện vào không quân không phi hành. Sau khi học hết quân sự tôi cùng 6 sinh viên được chọn qua Mỹ học về truyền tin điện tử trọng 2 năm. Một lần nữa tôi vui mừng không xiết nhưng than ôi! An ninh quân đội lần nữa chận lại vì hồ sơ lý lịch của tôi  có người anh đi tập kết ra Bắc. Tôi buồn lắm.
Ở lại Việt Nam tôi được các chuyên gia Hoa Kỳ huấn luyện về ngành khí tượng trong hai năm tại Tân Sơn Nhất và bị đổi lên làm việc tại Pleiku. Nhưng mộng đến được nước Mỹ nằm mãi trong tâm tư tôi như một ước mơ ngập tràn, không bao giờ nguôi..
        Chuyện học của tôi tiếp tục như thế nào xin để  lại Phần III . Chỉ biết, con đường đi học của tôi có rất nhiều gian truân nhưng tôi luôn thấy hãnh diện, vì mình đã  vươn lên được như hôm nay từ một chú thợ may hay là một nông dân nghèo khó. Trong tôi luôn mang nhiều hoài bảo về HỌC HÀNH. Tôi tự cảm nhận là mình khá thành công, nhưng nhìn lại anh em mình, tôi chĩ không bằng phân nửa của họ.Hai anh tôi mới là điều đáng nói.
Phần II
Việc học hành của hai anh tôi
         Viết đến đây tôi bỗng nghĩ ra một ý thật là kỳ cục. Lý do tại sao chúng tôi bước trên tầng cao của học vấn. Tại sao? Vì chúng tôi vốn sinh ra nơi khó nghèo, là nghèo từ nông nghiệp. Đáng ra chúng tôi chỉ là một nông dân như mọi người khác trong làng. Đằng này, không những  tôi mà cả 3 anh em chúng tôi người nào cũng có chữ nghĩa. Tôi đang tìm về một lý do: có thể phát nguyên từ ý tưởng ông nội tôi.

Ngay từ nhỏ tôi nghe kể lại rằng: ông nội tôi là nhà nông và chỉ là một nhà nông thuần túy trong cái làng Đại nại nghèo khó đó mà thôi. Người kể, nội tôi là một người nhà nông rất giàu có. Tính tình ông là một người hào hoa và phóng khoáng, ông có nhiều vợ và nhiều con, nhưng ông chỉ yêu người vợ cuối cùng, trẻ nhất và đẹp nhất. Bà nội cuối hạ sinh ba tôi, chú tôi và cô tôi. Chỉ có ba người con thôi, người mà ông nội tôi thương yêu nhất là ba tôi. Không biết nội tôi coi tướng số sao đó mà không cho ba tôi theo nghề nông mà lại dốc hết tiền bạc đầu tư về việc học hành cho ba tôi. Ngày xưa không có trường học, nội tôi mướn thầy đồ về nhà dạy học chữ nho. Tôi nghe cô tôi kể lại, nội tôi mướn tới 7 ông thầy từ Nghệ An vào dạy cho ba tôi. Không biết ba tôi học được bao năm, mà theo lời cô kể là cô được gã lấy chồng lúc 16 tuổi nhưng đến trên 20 tuổi mới về nhà chồng  Đến ngày đi thi cả thầy và trò vác lều chỏng vào Huế. Ba tôi đậu được khoa thi Hương cuối cùng thời nhà nguyễn  thì cuộc cách mạng chống Pháp bùng nổ. Chữ nghĩa ba tôi học được chỉ dùng vào hoạt động cách mạng. Ba tôi tự nguyện đứng ra vận động tài chánh để cung cấp cho phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu Việc làm đó đã đưa ba tôi ngồi tù 12 năm trong Nhà Đày Lao Bão. (xin xem NĐLB) Chữ nghĩa của ba tôi đã tạo cho người một đời  lao lý. Thế nhưng có lẽ từ ý tưởng của ông nội tôi: hảy cho con một bụng chữ còn hơn cho nó đất đai. Từ ý tưởng đó mà tạo ra cho ba anh em chúng tôi lún sâu vào học vấn, đó như là một sự ban phước đầy huyền nhiệm từ ông nội tôi đến cả ba tôi. Có thể đây là một ý nghĩ vớ vẩn của tôi chăng? Tuy vậy, nhiều khi tôi nghiệm lại mà là đúng gần 100%. Tại sao? Tôi nhìn về sự thành đạt trong việc học hành do từ tự học của hai anh tôi: Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Minh Hóa. Lòng tôi rất ngưỡng mộ và thán phục . Tôi xin kể sự thành công của hai người.



Việc học hành và sự nghiệp: Nguyễn Văn Khánh.

Tôi biết là anh bỏ học từ lúc tản cư (1945) như vậy là anh chưa xong tiểu học. Rồi anh ra phố học may trước tôi một năm. Đến năm 1954 anh đăng vào lính Commando (lính cảm tử của Pháp). Nhờ viết chữ đẹp và tính tình dễ thương lanh lẹ, anh được làm văn phòng và anh tự học từ đó. Tôi không hiểu anh học ra sao và bằng cách nào mà từ một tên lính tò tè anh đã trở thành trung sĩ thông dịch viên Anh Ngữ cho cố vấn Mỹ. Tới năm 1959 anh là huấn luyện viên khoa vũ khí. Năm đó anh ở đơn vị Đà Nẵng. Sau khi tôi quyết định bỏ nghề may, tôi xin phép anh vào Đà Nẵng để nhờ anh hướng dẫn tôi, dạy cho tôi toán và văn để sẵn sàng vào trường trung học. Thật ra trong thâm tâm tôi muốn đi theo con đường mà anh đã đi. Việc không thành vì tôi không đủ năng lực.

Sau đó vài năm anh thi đậu tú tài một và được vào trường Bộ Binh – Thủ Đức để một năm sau anh trở thành sỉ quan và đến năm 1965 anh tự học và thi đậu tú tài hai ban C. Sau này lúc anh vào làm việc ở Cần Thơ, anh ghi danh vào lớp văn chương anh Mỹ với giáo sư Nguyễn Bá Trứ. Sở dĩ tôi biết chuyện này vì Trứ là bạn của tôi, y là một sinh viên rất giỏi từ trường Quốc Học và được du học bên Tân Tây Lan.

Cuộc đời binh nghiệp của anh tiến triển huy hoàng nhưng cũng lao đao vào sinh ra tử. Đã bao lần đối diện với cái chết, nhưng lần nào cũng vượt qua được như là một phép lạ. Một lần anh thoát chết, nghe anh kể lại mà lòng tôi đầy ấn tượng và tôi nhớ hoài. Năm đó anh mang quân hàm thiếu tá làm tiểu đoàn trưởng. Khi tiểu đoàn của anh bị lot vào vòng vây của địch và chỉ chờ cái chết. Nhưng bỗng nhiên, một chiếc trực thăng đem đến một ông thiếu tá khác thay anh vì anh được lệnh vào Sài Gòn gấp để lên đường đi du học bên Mỹ. Người thiếu tá thay thế đó đã tử trận và tiểu đoàn gần như bay hơi. Những người sống sót về nhà thăm và kể lại chuyện đó, thật khủng khiếp. Việc du học của anh cũng không thành, lý do: người em tập kết ra Bắc, y như trường hợp của tôi vậy. Người anh tập kết ra Bắc  như là viên đá chặn đường tiến của 2 anh em tôi ở trong Nam.

Con đường tự học và trí thông minh của anh là gương sáng cho tôi. Đúng là một người anh tuyệt vời. Tôi cứ noi cái gương đó mà đeo đuổi việc học đến mãn đời. Cuộc đời của người đầu tên mủi đạn trên 20 năm. Anh đã bao lần đối diện với cái chết nhưng không lần nào mà không có một phép mầu nào đó che chở…. Anh có dến 4 trai và hai gái. Ba đứa trai đều du học và định cư ở Mỹ và Úc . Một đứa trai và một gái ở lại Việt Nam, không được học cao nhưng lại có tài làm giàu Nhửng đứa con của anh là một người một vẽ mười phân vẹn mười. Anh là người khổ nhất trong vòng ba anh em trai, tại vì anh là người lớn tuổi và là trách nhiệm người anh cả.

Việc học hành và sự nghiệp Nguyễn Minh Hóa

Anh cũng là người đã bỏ học từ năm 1946, như vậy khi ra Bắc anh chưa có bằng tiểu học. Hai anh em cách chia nhau lúc anh 10 tuổi. Bằng đi 45 năm sau mới gặp lại nhau. Tôi không biết nhiều về cuộc đời của anh vì  anh ra đi và biệt vô âm tín  45 năm. Khi gặp lại tôi chỉ thấy đời sống thịnh vượng của anh tôi cũng đoán được, đây không phải là người tầm thường. Anh cũng cho tôi biết một khúc đời của anh khi ra Bắc. Anh cũng là làm quan đến quân hàm Đại úy về sau đó giải ngủ và học tập đến kỹ sư kinh tế. Như vậy, cũng thuộc vào hàng ngũ trí thức. Anh chỉ có một con trai và một đời vợ. Anh Hóa là một người bay bườm, tinh thần văn nghệ rất cao.. Điều làm tôi ngạc nhiên không ít là với một con người hào hoa như thế mà tại sao anh chỉ có một vợ . Lúc còn nhỏ, tôi là người gần gủi với anh Hóa, vì tôi thích nghe anh hò. Anh là người ghiền thuốc lá mà lúc đó anh quá nghèo, nên tôi thường tìm kiếm những điếu thuốc tàn cho anh. Đến chơi nhà nào, tôi cũng nhỉn vào cột nhà đễ gở nhưng tàn thuốc.

 Lúc chúng tôi chia tay, anh ra Bắc, Hai chúng tôi ở lại. Anh Khánh cho anh chiếc võng  còn tôi cho anh chiếc áo rách tả tơi để làm quà. Chỉ có thế mà đậm tình chúng ta.Tình anh em trong cơn khốn khó. Ngản năm sau chưa dể gì phôi pha.

Năm 1975, anh trở vể từ miển Bắc, mang theo niềm kiêu hảnh Giải Phóng Miền Nam. Cứ ngỡ gia đình sum họp, nào ngờ sự trở về của anh như một viên đạn , một viên đạn vô hình nhưng có đủ năng lực đưa một người anh vào “Trường Đại Học Cải Tạo” và đưa một đứa em ra đi lánh nạn cách quê nhà hơn nửa trái đất. Một ngày về của anh đầy vinh quang và lòng tôi chất ngất niềm kiêu hảnh.

Kỹ niệm khó quyên:
Cơm Trắng và Cá Bống Khô.

Lúc chúng tôi trốn giặc ở Nà Mua, có được bữa cơm ngon là một vấn đề khó khăn. Hằng ngày ba chúng tôi lội từ khe nầy đến suối khác để kiếm cóc nhái , cá tôm và bất cứ vật sống nào để giải quyết cơn đói.Rau củ nơi đó chỉ có một thứ là cây môn nước, ăn vào thì ngứa đến tân cổ.Tôi còn nhỏ nhưng cũng biết được tài chế biến thực phẩm của  mẹ tôi. Người làm sao đó không biết mà cây môn ngứa đó trở thành một món dưa rất ngon. Ngoài cái món dưa đó, người còn chế thêm món mắm “đam”(mắm con cua đồng), thật tuyệt vời. Có một món khó kiếm là Gạo. Thường ngày chúng tôi ăn củ mì và có hấp thêm một ít gạo bị cháy , lấy từ căn nhà cháy nơi vườn củ về. Tôi nhớ một lần, ba chúng tôi được ăn một chén cơm gạo tươi với những con cá bống khô. Đó là bửa ăn ngon mà trong đời, tôi không bao giờ quyên được. Tôi nghe anh tôi kể: Mẹ thừơng về vườn củ để kiếm thức ăn như lúa hoang và tôm cá trong đìa. Lúc đó ruộng vườn bỏ hoang lâu ngày nên lúa hoang mọc đầy và tôm cá, nhất là con cá bống lớn lên không ai bắt. Mẹ về đó, xúc cá bống phơi khô và mót lúa hoang lấy hạt. Cứ mỗi ba bốn ngày, anh Khánh là người về đó để vận chuyển lên núi. Chính việc nầy mà mẹ tôi lâm bịnh dịch tả, Người về quê củ, uồng phải nước ô nhiễm bỡi xác chết người và súc vật Anh có kể cho tôi nghe nhiểu chuyện thật ly kỳ. Những chuyến vận chuyển hàng thường phải đi ban đêm. Khi đi qua con lộ lúc trời tối câm anh phải rờ vào những cây bên đường, trong đó có những cây đòn xóc ghim đầu người còn máu tươi…..Việc gồng gánh đó không biết bao năm ma sau nầy , tôi thấy trong ba anh em, anh là người lùn nhất mà cái lưng còng xuống như con tôm. Anh đã vì bao tử chúng tôi mà trở thành tướng người cơ cực. Thật vậy trong ba an em, anh Khánh là ngưởi chịu nhiều cam go nhất, âu đó cũng là số mạng ở đâu đó đã an bài.

Cuộc đời và sự nghiệp của
Vanchau Nguyen

Nguyễn Vânchâu là tên đứa con đầu của tôi. Sau một vài ngày hạ sinh, thằng nhỏ trông ngồ ngộ. Tôi đem chuyện nầy kể cho một ông cụ nghe. Sau khi ông  nghe kể ông mới lấy ngày sinh tháng đẻ và ông đã cho tôi một lá tử vi: “thằng nhỏ sẽ có  đời lao đao, nhất là thời bé bỏng, nếu khéo dạy dỗ thì là một người hữu ích cho xã hội và nếu trái lại là một mối họa”. Tôi thì không tin về vụ tướng số nhưng lời ông nói lòng tôi không ít ưu tư và sau đây tôi xin kể những khúc đời của nó.

Những khó khăn lúc còn nhỏ.

Năm 1972 Vânchâu được 4 tháng tuổi phải di tàn khỏi PleiKu để về lánh nạn Mùa Hè Đỏ Lửa ;những ngày tá túc tại gia đình bà ngoại ở Bến Tre, nó đã vướng vào một trận dịch tả tưởng không qua nỗi, may mắn tôi về kịp  và mọi việc được bình an.

Năm 1972 chúng tôi mở một quán hủ tiếu trong phi trường Pleiku, một nồi nước lèo sôi sùng sục đổ nhào làm ướt cả người, thằng bé mất phần da của cánh tay.

Năm 1975 trên đường di tản qua Mĩ vừa mới tới hàng rào cản thì nó bị té nhằm vào ống bô xe máy đang nóng hỗi; một mảng da bị cháy phỏng khá nặng, nó phải mang vết thương đó cho đến 4 ngày sau mới lên được tàu lớn, nhưng ở đây có bác sĩ mà không có thuốc men gì , thằng bé bị sốt đến 390C. Một may mắn đến với tôi là tôi tìm đến một bà có hai đứa con nhỏ tôi hỏi xin thuốc hạ nhiệt, bà mau  mắn cho tôi nguyên một chai thuốc ROSE (thuốc hạ nhiệt). Tấm lòng tốt của bà tôi không bao giờ quên được.Ba ngày sau ở trên tàu nó lại bị té vào hầm máy, một cái đinh đã xé rách  cách mí mắt 1cm, tí nữa là hư con mắt, bây giờ nó vẫn còn mang vết thương là con mắt trái phải mang kính 4 độ.

Những sự cố xảy ra như thế là đúng với là số tử vi.

Chuyện học hành của Vân Châu khi qua Mĩ

Khi đến Mĩ Vânchâu gần 4 tuổi, người bảo trợ rất thích thằng bé (bà Tim Ellis), bà đề nghị với chúng tôi là đem cháu đi trắc nghiệm tâm lý. Đến đây một vị bác sĩ đưa cho nó một cây bút và một miếng giấy, ông bảo cháu vẽ hay là viết một cái gì đó, vì nó chưa biết chữ nên nó vẽ vu vơ một bức tranh. Sau ba ngày cháu nhận  được lá thư là được cấp học bổng 3.000 đô một năm và học trường tư đặc biệt, đó là trường tư thục Saint Christopher trong tổ chức của giáo phái người Anh. Chúng tôi rất vui mừng nhưng than ôi, khó cho chúng tôi. Hàng ngày chúng tôi phải đưa cháu đi và về, giờ học thì 8 giờ đến 2 giờ, và giờ làm việc của tôi từ 8 giờ đến 5 giờ. Chúng tôi rất vất vả và lắm lần chúng tôi muốn bỏ trường đó. Tôi trình bày sự khó khăn đó với nhà trường. May mắn nhà trường cho cháu ở lại trường cho đến 5 giờ chiều và được vào phòng vi tính để chơi game. Thời đó mỗi trường may ra có được một máy vi tính, rất chậm chạp và đơn sơ chứ không như bây giờ. Thế là Vânchâu được học Computer từ cái máy xưa nhất APPLE-IIe. May mắn, thằng bé rất ngoan và đam mê Computer từ dạo ấy. Một lần cháu xin tôi 3 đồng để mua một Floppydisk, tôi thấy không cần thiết nên không cho, lúc đó một Floppydisk chỉ chứa được 1K và in được một mặt, cháu mới loay hoay đục thêm một cái lỗ về phía phải và in được 2 mặt. Đó là sáng kiến đầu tiên của Vânchâu về vi tính .

Những ngày buồn thiu ở trường Saint Christopher.

Đây là một trường tư đặc biệt, học sinh toàn là con cưng của những người nhà giàu tai mắt trong xã hội. Phải nói là trường học của con cái dòng quý tộc, trong  khi đó Vân Châu là thằng bé của giai cấp cùng đinh nghèo khó. Cháu rất khó mà hòa thuận với bạn bè cùng lớp. Quần áo mặc hay là đồ chơi của cháu toàn là mua ở chợ trời. Cháu quá buồn và xin chúng tôi được chuyển qua trường công. Ở đây đa số là học sinh nghèo và đủ thứ hạng người rất dễ dàng cho cháu có bạn và vui đùa.
Khi rời khỏi trường tư (S-CH) chúng tôi mất  một lúc lao đao là tìm mua cho cháu một máy vi tính. Thế là Vân Châu có riêng một APPLE -IIe đầu tiên với cái giá rất đắt là 5000 đô la ,số tiền đó thật quá lớn đối với chúng tôi bấy giờ. Máy quá chậm và những chức năng không đáp ứng nổi những yêu cầu của người sử dụng. kể từ năm 1980 phong trào Personel Computer (PC) dậy sóng, nhà nào cũng muốn có một cái, đứa bé nào cũng muốn có một cái mà cái PC lúc đó không phải rẻ, từ 5000-6000 đô la. Ngay chính tôi, tôi cũng mơ một nàng PC. Vì quá nghèo nên tôi vào thư viện mượn cuốn sách cách ráp một PC. Thế là tôi mượn những linh kiện trong hãng về ráp cho cháu một PC, cái tôi ráp chạy cũng ok nhưng quá chậm và quá ồn aò. Hằng ngày hai bố con cứ mổ xẻ cái PC và Vân Châu có cơ hội học được sự kết cấu của PC về phương diện phần cứng mà chưa biết gì về phần mềm. Tuy vậy nhưng Vân Châu cũng học được thế nào là máy chạy đĩa (hard disk drive), là MPU là  Ram, là Rom, và Mother Board….Công trình thật vất vả nhưng hai bố con cũng khá hài lòng là tiến thêm một bước tiến bộ về kiến thức computer.




Vânchâu tốt nghiệp và ra lập nghiệp.

Vừa mới tốt nghiệp bằng Computer Science (cử nhân vi tính)từ trường Virginia Tech thì được một hãng ở Chicago mướn với giá 32 ngàn đô /năm.Nó không hài lòng nhưng tôi khuyên nên nhận rồi từ đó tìm cơ hội khác tốt hơn.Làm ở đó chưa được một năm thì một hãng khác ở California gọi nó phỏng vấn và trả lương 80 ngàn đô/năm. Trong lúc chưa nhận việc thì có một hãng khác đòi mướn nó với lương giờ là $100 đô la/một giờ. Vì nó đã hứa làm cho hãng 80 đô/năm nên nó không thể nhận.Hãng trả $100/giờ phải điều đình, năn nỉ nó nhận làm và họ phải tìm người khác thế vào chổ của hãng 80 ngàn/năm.
Trong lúc làm cho hãng nầy thì nó đang thử nghiệm một một sản phẩm đầu tay của mình “Message Board” và có tên Ezboard(bản tin nhắn dễ dàng).Sau khi để dành được một số tiền để mua một Server  đặt trong nhà xe của dì nó.
Cuộc thử nghiệm thành công, hằng trăm ngàn người thăm viếng mỗi ngày. Máy quá tải, lúc đó có tôi ở đó, nhìn cái máy bị tê liệt và khách hàng than phiền, thỉnh thoãng tôi phải bấm nút Reset cho máy hoạt động trở lại. Sau đó nó phải mua thêm máy và mướn một nơi có máy lạnh để chứa cái Server. Mọi chuyện êm đẹp ngoài sức tưởng tượng. Nó tưởng là đường đời luôn bằng phẳng nên xin nghỉ phép hai tuần về thăm bạn gái ở Florida. Mới đi được mấy ngày thì máy bị trộm, tất cả dữ liệu đều mất hết. Lúc nầy tôi đã trở về Virginia ,lên mạng vào thăm ezboard thì nhận được một thông báo: ezboard tạm ngưng vì lý do kỹ thuật.Đó là một thử thách đầu tiên cho đứa con “so” của Vanchau.
Hai tuần sau ezboard tái xuất hiện. Lẩn nầy lớn hơn và vô cùng hoành tráng. Nó dốc hết thì giờ cho ezboard và xin nghỉ cái công việc $100/một giờ.Lúc đó thật lòng tôi rất tiếc và tôi thật thán phục cái phiêu lưu, mạo hiễm của Vanchau.

Sau vài tháng nó và một số bạn bè ra thuyết trình về Lập Nghiệp. Tác phẩm của nó được trình làng và được nhà đầu tư tài trợ.Khởi đầu 1 triệu đồng cho việc thành lập công ty EZBOARD.COM do Vanchau Nguyen làm CEO(giám đốc)   (xin xem vanchau nguyen trên LinkedIn.com)

Và sau đây là công ty Ezboard

Mô tả ezboard(phần nầy hơi khó hiểu, đại khái là nó giống Facebook.com bây giờ)

Ezboard là một website cung cấp kỹ thuật để viết bản  tin nhắn một cách dễ dàng ,miễn phí về  lưu trữ  sử dụng .Khách hàng chỉ điền vào mẩu website đã thiết kế sẵn trong vòng vài giây là cho riêng mình sở hữu một website.Vì tính cách dễ dàng như thế nên khách hàng rất ái mộ. Ta không cần phải biết nhiều về computer, một đứa bé 10 tuổi cũng có thể làm chủ một website.Đã có nhiều ngưởi thành công qua việc dùng ezboard.Hằng triệu Community(công đồng) được xuất hiện mỗi tháng. Trong đó có những cộng đống lớn như Hội cựu chiến binh Hoa Kỳ, Việt nam thì có các hội như: Văn Học , Ái hữu học sinh, sinh viên đại học cũng như các hiệp hội. Người ta tìm nhau , trò chuyện với nhau, cứ vào ezboard là gặp và 20 triệu người đã có mặt trên ezboard và hằng triệu cộng đồng khắp năm châu được hỉnh thành. Tôi cũng một thời say mê và cũng có riêng cho mình một website gọi là Đông Phong cho riêng tờ báo Đông Phong của tôi ở Richmond.(xin đọc thêm về chi tiết :WIKIPEDIA.COM).Một ý tưỡng độc đáo của vanchau là làm cho con ngưởi được nối kết nhau lại.(People Connected)

Lịch sử Ezboard.

ezboard là một ứng dụng web, được
sáng lập vào năm 1996  từ Vanchau Nguyễn. Một trong những người  đầu tiên của các nhà cung cấp bảng tin nhắn trực tuyến, nó nhanh chóng phát triển. Ở đỉnh cao của nó, được hãng  Alexa(công ty lượng giá ) xếp hạng trang web,thứ 717 vào ngày 24 tháng 4 năm 2003.

Năm 2001 ezboard đưa ra CSC đầu tiên của họ (cộng đồng hỗ trợ cộng đồng) sản phẩm, tức là một phiên bản trả tiền của ezboard mà không có quảng cáo. Điều này sau đó được chia thành CSC Blue (chính thức gọi là cộng đồng CSC) và CSC vàng (chính thức gọi là cộng đồng CSC vàng). CSC xanh loại bỏ quảng cáo  xâm nhập
(pop up)nhưng giữ lại các biểu ngữ quảng cáo với một mức giá cố định, trong khi CSC vàng là 100% quảng cáo miễn phí với các tính năng phụ, nhưng tại một chi phí biến đổi. Nó đã được báo cáo rằng một số ezboards rất lớn phải trả giá cố định cho CSC Blue, mà cuối cùng đã chứng tỏ là một sản phẩm không mang lại lợi nhuận. ezboard thông báo rằng ngày 31 tháng tám năm 2001, họ sẽ không còn tái bảng CSC xanh. Những tình huống nầy là những cách thế làm tăng lợi nhuận của ezboard.Nó cũng tạo ra một môi trường, một sân chơi tự do cho khách hàng.

Năm 2002 ezboard giới thiệu hình ảnh lưu trữ , được cung cấp bởi một công ty khác  không có trong  ezboard. Thông báo tiếp theo, cho thấy thỏa thuận lưu trữ hình ảnh là một thảm họa không may .Cuối cùng, công ty đó nộp đơn xin phá sản, để lại ezboard  tiếp tục hoạt động của hình ảnh lưu trữ ở một phần riêng , trong khi phát triển mới lưu trữ sản phẩm song song . Một thông báo sau đó nhấn mạnh một thông tin nhầm lẫn giữa nhân viên ezboard và người đẩu tư mới nhận rằng các dịch vụ lưu trữ hình ảnh đã được một quyết định tồi.Lý do là sự tốn kém quá lớn mà nhà đầu tư thì muốn tiết kiệm.Xin nói thêm là vanchau muốn làm hài lòng khách hàng nên tăng cường bộ nhớ, việc làm nầy nhà đầu tư không hài lòng vì tốn kém qua nhiều. Ví dụ đã có nhiều cộng đồng rinh nguyên pho truyện Thủy Hữ bằng tranh lên mạng chiếm đến hằng ngàn Mega Bite mà không trả một đồng nào. Và rồi hẳng triệu cộng đổng đua nhau làm như thế, ezboard phải thay đổi về giá cả và kế hoạch mới.Từ việc đó ,sự rạn nứt bắt đầu  giữa ban quãn trị và vanchau nguyen.

Ngày 22 Tháng Mười, 2002, ezboard phiên bản 7.0 được phát hành. Điều này bao gồm một số thay đổi
về miễn phí, được đáp ứng với các ý kiến ​​tiêu cực từ các quản trị viên hội đồng quản trị . 7,0 cũng bao gồm các hồ sơ người dùng nâng cao, trang web được thiết kế lại.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 2002, ezboard phiên bản 7.1 được phát hành, trong đó bao gồm các công cụ ezPost. Điều này cung cấp cho người sử dụng truy cập nhanh đến các tính năng hữu ích đưa lên, chẳng hạn như thay đổi kích cỡ phông chữ và chèn liên kết. Tuy nhiên, một số quản trị viên không hài lòng mà người dùng có thể gửi trong một loạt các phông chữ và màu sắc, do đó làm thay đổi cái nhìn và cảm nhận của Ban
Quản Trị. Thông tin phản hồi rất ào ạt rất phổ biến trên ezboard do số lượng lớn người sử dụng.

Ngày 11 Tháng Ba, 2003, ezboard phiên bản 7,2 đã được phát hành . Đây là phiên bản cuối cùng của sản phẩm ezboard cốt lõi để có các tính năng mới cho gần bốn năm. Sau 7.2, các bản vá lỗi khác nhau đã được áp dụng cho các khu vực khác của dịch vụ ezboard, chẳng hạn như kiểm tra chính tả,
“màu vàng” cho  miễn phí,  Meetup,  và hiệu suất mạng và cải tiến.

Trong tháng 1 năm 2004, dựa trên SQL back-end được tạo ra bởi Jordan Bortz bắt đầu được triển khai đến tất cả các máy chủ. Điều này nâng cấp tăng cường đáng kể hiệu suất và độ tin cậy; các vấn đề đã được đáng kể tác động đến ezboard trước đó.

Ngày 4 tháng 3 năm 2004, Robert Labatt đã được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành mới ezboard
.Vanchau Nguyễn sau đó đã chọn để rời khỏi ezboard nhưng vẫn vào Hội đồng quản trị. Vanchau còn lại trong tháng 4 năm 2004 theo trang linkedin của ông .

Ngày 14 Tháng Ba, 2005, ezboard 7,32 được phát hành . Đây là phiên bản gần đây nhất số được phát hành cho tất cả các máy chủ, mặc dù các bản vá lỗi đã được phát hành kể từ sau đó.

Ngày 28 tháng 2 2007, ezboard
phát hành về một phiên bản mới của ezboard - 7,33  Mặc dù đây là chủ yếu để biên dịch các bản vá lỗi được thực hiện kể từ phiên bản 7,32, một vài cải tiến nhỏ cũng được đề cập đầu tiên trên bảng tin kể từ phiên bản 7.2 , phát hành vào ngày 11 tháng ba năm 2003. Người dùng không mong đợi động thái này .Mọi  người điều đã thường nói rằng ezboard sẽ không còn được cập nhật. Ngày 01 Tháng năm 2007, những thay đổi này được chính thức công bố, mặc dù không đề cập đến 7,33  Do đó, phiên bản mới nhất của ezboard vẫn là 7,32.

Công nghệ

Ezboard được viết bằng ngôn ngữ Smalltalk Visual Works 3.1 do sáng kiến của Vanchau Nguyễn.Một thuật ngữ mới ra đời được vanchau chọn để cấu thành Ezboard. Thể loại nầy hoàn toàn khác với Basic hay Fortran thời bấy giờ. Một năng lực tuyệt hảo về tốc độ và tích lũy dữ kiện .Một chọn lựa quá táo bạo cho vanchau nguyen, một sinh viên mới ra trường và Smalltalk cũng vừa mới xuất hiện. Mặc dù đã được khuyến cáo để ezboard để hành xử đối với SQL(hành xử sự cố) và từ Smalltalk vào đầu năm 1999, công ty đã tảng lờ những nhược điểm từ trái tim yếu kém của Smalltalk .Đó là lý do xuất hiện của YUKU, mong giải quyết những lổi nhỏ từ Smalltalk. Cuối cùng, cần phải di chuyển tiếp đến một giải pháp dựa trên RDBMS ổn định hơn đã trở nên rõ ràng hơn.Khi con đường cao tốc đã quá tải thì Smalltalk không kiện toàn những lổi lầm mà  Ezboard đã cố gắng không thành công để tạo ra một giải pháp lưu trữ dữ liệu. Một trận chiến đã xẩy ra từ sự bất đồng của BQT và vanchau. Sau những nỗ lực không thành, một kiến ​​trúc sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã được gọi đến và ban ra ra một giải pháp. Đó là một cung điệu “hổ ly sơn” được áp đặt. vanchau thì quá non nớt, chưa bao giờ học được bài học nầy.Nó chỉ là con chim non giữa một tập đoàn “muông sói”. Ezboard của người sáng tạo, Vanchau Nguyễn, cho biết ông đã "đặt cược công ty của ông, và tương lai của mình, trên Cincom Smalltalk". Ông cũng đề cập tới userbase ezboard(số ngưởi ghi danh), được liệt kê như là có gần 20 triệu người sử dụng đăng ký.(xin nói thêm, lúc nầy Ezboard được thịnh vượng tột đỉnh và giá trị lên đến hằng trăm triệu. BQT cũng như nhà đầu tư cố tạo xung khắc hầu “ nhổ ” người sáng lập ra ngoài, với chiểu hướng vắt chanh bỏ vỏ. Hành động đen tối đó đem đến sự sụp đổ tòa nhà đồ sộ Ezboard.Vanchau lúc đó như con chim én giữa bầy muông sói. Với một tác phẩm đầu tay mà đã có 20 triệu người hâm mộ thì cho dù bây giờ không có một cắc bạc đi nữa  thì tương lai vẫn rực sáng.Như Nguyện Du đã nói :”Cái tâm kia mới bằng ba cái tài”.)

ezboard mất dữ liệu / bị
hack” tấn công

Ngày 31 tháng năm 2005
(sau khi vanchau ra đi), ezboad tuyên bố họ đã bị đổ vở, diễn đàn  bị mất thông tin, không thể tiếp cận, hoặc bị xóa sổ hoàn toàn. Ezboard nói rằng tất cả các dữ liệu  lịch sử và một số lượng đáng kể của các bản sao lưu dữ liệu đã bị xóa. Trong những tháng tiếp theo, một số dữ liệu đã bị mất trên ezboard đã được thu hồi; ezboard nói rằng có một số dữ liệu từ khoảng 4000 không-Gold cộng đồng đã được phục hồi ezboard đã không bao giờ nói chính xác tỷ lệ dữ liệu đã bị mất. những gì đã được phục hồi.Một số khách hàng đã ra đi từ dạo ấy.Một lâu đài đã trở thành đống gạch vụn.

Ngày 03 tháng sáu năm 2005, Giám đốc điều hành Robert Labatt nói rằng: "Tôi có thể cho bạn biết rằng chúng tôi có nghi phạm, chúng tôi có bằng chứng và chúng tôi đang làm việc với FBI. Tôi cũng có thể cho bạn biết rằng chúng tôi sẽ làm việc để có những kẻ tấn công trừng phạt đầy đủ mức độ của pháp luật.

Ngày 30 Tháng Tám, 2007, ezboard, Inc khẳng định rằng hai năm sau khi nhận được FBI tham gia, cung cấp một giải thưởng trị giá 5000 và mặc dù có bằng chứng ", các hacker vẫn co
̀n tự do".Vào thời điểm của cuộc tấn công, ezboard đã nói rằng kể từ khi năm 1999, 2,2 triệu bảng(cộng đồng) đã được tạo ra ". Đó là chưa biết có bao nhiêu hoạt động tại thời điểm này, như ezboard từ chối cung cấp con số cụ thể .Từ khi vanchau ra đi là từ khi ezboard xuống dốc. giá trị của ezboard hằng trăm triệu và nay chỉ còn vài trăm ngàn và nay đang trong đà thoi thóp.

Sau khi rời khỏi ezboard vanchau tiếp tục kiếm sống và lần nầy khôn ngoan hơn: mở mang công ty cho riêng mình. Lấy cái đầu và con tim đam mê để bây giờ là :Người Sáng lập và Giám Đốc  của Veelin international.incMinglenet inc.Một lối sống tự do và vững vảng trên đôi chân mang dấu vết thông minh của màu da vàng Việt nam./.

Xuong Billy Nguyen(2012)



Ba tôi
Nguyễn Kỉnh(1899-1950)

Như vậy ba tôi ở Lao Bảo khoảng 8 năm.Và 8 năm uống phải nước độc và sự hành hạ của lũ xâm lăng man rợ, nó đã cướp cả cuộc đời ba tôi. .  Để  biết thêm về ba tôi, xin chúng ta cùng xem:
( Nhà đày Lao Bảo, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2002, các trang 225, 226, 227, 228, 237, 240, 246, 247, 248, 249, 250, 251, 252,  253, 254).
Và Trang 63….Công bơ tức tối, quát tháo và đi lên bàn giấy. Đến 15 giờ, hắn xuống lao, đe dọa: “Chúng bay muốn gì?”. Một đồng chí trả lời: “Bây giờ chúng tôi không muốn nói miệng với ông; ông đưa giấy bút đây chúng tôi viết, và ông xét!”
Đồng chí Trần Văn Cung viết 7 yêu sách:
  1. Bỏ gông, cùm, xiềng.
  2. Trả chúng tôi về giam ở các lao tỉnh
  3. Cho chúng tôi được đọc sách, báo.
  4. Được phép nhận và gởi thư về nhà
  5. Được nhận quần áo và quà bánh người nhà gởi cho.
  6. Phải cải thiện chế độ ăn uống: không bắt buộc chúng tôi ăn gạo mục, mắm thối.
  7. Các ông bỏ chế độ: bắt chúng tôi đi làm việc nặng
-Nhận được 7 yêu sách, Công bơ điên tiết. Hắn đích thân dẫn lính xuống lao A bắt Trần Văn Cung, Nguyễn Ngọc Tuyết và
Nguyễn Kỉnh đem nhốt vào xà lim. Đồng chí Trần Văn Cung nói rất to: “Anh em tù chúng ta kiên quyết đấu tranh đến cùng để đòi phải thực hiện 7 yêu sách”
-Chiều hôm đó, tù chính trị trực tiếp tuyệt thực, đấu tranh đòi thả những người vừa bị nhốt vào xà lim.
-Chúng phải trả Nguyễn Ngọc Tuyết và Nguyễn Kỉnh cong Trần Văn Cung vẫn bị nhốt ở xà lim.
Công bơ quay sang dụ dỗ, mua chuộc lao B, gặp anh em xoa dịu: “Các anh cứ ăn cơm, đi làm như thường lệ thì quan đây sẽ đối xử tử tế”. Công bơ vừa dứt lời, đồng                                     

Trang 69 ……..Ngày 10/6/1929, Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Trung kì họp, tuyên bố tự giải tán và thành lập Đông Dương Cộng sản đảng. Để tôn chỉ, mục đích của Đảng đến được với quần chúng, ngày 19/6/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung kỳ đã đưa truyền đơn và tài liệu của Đông Dương Cộng sản Đảng vào và giao cho nhóm cộng sản ở cộng sản Đảng ở Quảng Trị in và tán phát rộng rãi trong tỉnh và khu vực ở miền Trung. Hầu hết số hội viên Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Trị tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng Sản và tích cực tham gia vào việc in, tán phát truyền đơn, trong đó có Đoàn Lân, Nguyễn Đình Cương, Trịnh Đức Tân, Trần Ngung, Nguyễn Kỉnh, Nguyễn Đạm.

Ngày 1/7/1929, truyền đơn và thư của Đông Dương Cộng sản Đảng được mang đi và rải khắp từ Nghệ An, đến Khánh Hòa gây tiếng vang lớn trong khắp tầng lớp nhân dân. Bọn thống trị và chính quyền Nam Triều hoảng hốt tìm mọi cách để đối phó. Chúng tung mật thám và tay sai về khắp nơi trong tỉnh theo dõi nghiêm ngặt nhằm lùng bắt các Đảng viên và hội viên thanh niên. Chúng ra sức bắt bớ, lùng sục và khủng bố mọi nơi. Số người bị bắt ngày càng tăng, trong đó có Đoàn Chí Lân.

1.  Trong bức công điện của công sứ Quảng Trị gởi Khấm sứ Trung kỳ ngày 31/10/1929, chúng ta đã viết: “Với sự đồng ý của Tuần Vũ, tôi xin ngài quyết định ngay đưa đến Lao Bảo các tên: Đoàn Lân, Trịnh Đức Tân, Nguyễn Kỉnh, Trần Ngung, Huỳnh Tương và Lê Thế Hiếu đã bị kết án từ 10 đến 13 năm khổ sai, được đày đến Lao Bảo, vì âm mưu phá rối an ninh quốc gia.
Những tên này mà đặc biệt là Đoàn Lân đã gây mất trật tự trong nhà lao, chúng đã vận động 17 tù nhân khác tuyệt thực, làm reo, chúng bị tình nghu đã chuyển trong nhà lao các mảnh giấy, kêu gọi giết một đồng bọ, vì tên này phản Đảng.
Nếu ngài đồng ý với cách nhận định của chúng tôi, xin ngài gởi đến Quảng Trị một xe tải của Tòa Khâm sưa để đưa bọ này lên Lao Bảo”.

Trang 231

65
4/12/1929
Trịnh Đức Tân
Hải Lăng – Quảng Trị
ủy viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Quảng Trị
66
4/12/1929
Nguyễn Kỉnh
Quảng Trị




Phần III:
TÔI VÀ NƯỚC MỸ
“Bước qua bên kia sầu viễn xứ
Bước lại bên này gió mưa bay
Hoang mang run rẩy chùng đôi bước
Đôi bước đôi bên vẫn luu đày”. 
    Đó là cảm tưởng của tôi ngày lên đường. Thật vậy, tôi lúc đó như chiếc lá giữa dòng, trôi dạt về đâu mặc cho định mệnh. Thế mà đã qua đi hơn 36 năm ròng rã. Bây giờ ngồi ôn lại, tôi cảm thấy vui vui và tôi xin kể cho các bạn nghe chuỗi ngày đó, trong công việc kiếm sống cũng như việc học hành. 
    Không biết dưới “mệnh” của con giáp nào mà từ  khi sinh ra cho tới lớn khôn, những điều tốt thường xảy ra cho tôi và những điều trắc trở cùng đi theo. Đặc biệt là những năm trên đất Mỹ
Công việc đầu tiên khi đến Mỹ.
    Đến Mỹ không có nghĩa là đến trực tiếp vào nước Mỹ mà bất cứ ai vượt biên cũng phải ở một nơi ngoài đất Mỹ  một thời gian , thường là những hòn đảo gần đó. Gia đình tôi có 3 người, tôi, vợ và con, được xếp vào sống trong một nhà vòm ở đào Guam cùng với 500 thuyền nhân khác . Sau ba ngày ổn định chổ ăn ở , tôi được bầu  làm trưởng của  một trong 12 trại.Nói là trưởng trại cho nó oai, chứ thật ra , tôi chịu trách nhiệm làm vệ sinh cho một nhà vòm và cầu tiêu cho 500 người . Đó là một “chức vụ” mà mọi người chê, nhưng tôi và tâm hồn tôi thật là béo bở trong lúc nầy. “không có nghề gì xấu  chì có con người xấu mà thôi” (?) Một ngày được nhận 16 USD tiền lương., không thuế ,không tiền cơm Món tiền quá lớn và lòng tôi hạnh phúc tràn đầy.. Tiền làm ra chỉ để dành mà thôi. Vì vậy, có thể nói ngay những ngày đầu cuộc sống của gia đình tôi rất êm đềm nhưng do xa quê chưa quen , chúng tôi thấy buồn da diết và nhớ nhà kinh khủng.
Sau 3 tháng  trại tôi sống đóng cửa và chúng tôi được chuyển lên trại trên đất liền nước Mỹ gọi là Camp PELLONTON, CALIFORNIA. Nơi đây, chúng tôi chỉ ăn ngủ và chờ ngày ra hội nhập với xã hội Mỹ. Vừa lo vừa đợi và buồn. Vì thế chúng tôi không muốn rời khỏi trại sớm  vì sợ rồi đây khó có dịp cùng sống với một cộng đồng toàn người Việt và nói tiếng Việt với nhau nữa. Chúng tôi cứ vậy mà ở lì từ trại này qua trại khác. Cho đến trại cuối thì phải  chọn nơi mà đi. Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi chọn một nơi có bạn bè, người quen. Nhưng than ôi! Tôi đã nhầm, người bạn mà tôi quen ở cùng tiểu bang nhưng cách nhau đến cả 100 dặm. Tôi định cư tại thủ đô của tiểu bang Virginia, thành phố Richmond và tại đây hình như không có người Việt Nam sinh sống ngoài gia đình tôi. Có thắp đuốc đi tìm  một người đồng hương để trò chuyện cũng chịu. Bước chân vào đất Mỹ là như vậy nên tôi càng thấm thía nỗi buồn xa quê và sống trên đất người là thế nào .Buồn quá tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ ra thơ :
    “Ta như hạt bụi, thà như hạt bụi
    Bay trên không hay trong vũng bùn lầy
    Rồi quên đi, quên đi nỗi niềm cay
    Rồi quên đi, quên đi kiếp lưu  đày
    Rồi tôi ân hận chuyện ra đi của mình ,nhất là đi  đến Mỹ, điều mà tôi ước mơ bao lần mà không thực hiện được. Giờ mới thấy nước Mỹ là cái chi chi. Đẹp thì quá đẹp, giàu thì quá giàu nhưng không phải quê hương mình nên thấy sao sao. Thế mới biết “Không nơi nào trên thế gian đẹp bằng chính quê hương mình ”.

Job and Education, công việc làm và  học hành.
    Kiếm cho ra việc làm tại mảnh đất này lại là một việc quá khó khăn.. Đi đến đâu người ta cũng đòi hỏi Anh ngữ và bằng cấp chuyên môn. Cả hai thứ tôi đều không có. Lúc đó tôi như đứa bé mới xa vòng tay  mẹ, bơ vơ giữa chợ đời xa lạ. Sau hai tháng tìm và chờ việc thì một ngày, người bảo trợ kiếm cho tôi một chân  trong ngân hàng. Sát hạch để được nhận là : Biết đọc con số. Công việc này thường dành cho người câm điếc. Dù vậy tôi mừng lắm. Sau một năm tôi được bầu là người xuất sắc nhất, được tăng lương và chuyển qua làm ở bộ phận “check processing department”. Đó là một máy lọc khổng lồ. máy có thể đọc và lựa ra chi phiếu của hàng triệu khách hàng trong một phút. Công việc của tôi chỉ tìm ra con số sai biệt mà máy in ra thành từng tập dày đến 2 gang tay. Trong thời gian làm với cái máy điện tử đó, tôi liên hệ lại với những kiến thức đã học ở Việt Nam về điện và điện tử và tôi  thấy họ áp dụng dòng điện như thế nào trong máy đọc và máy in. Những điều đó tôi đã có trong đầu nhưng chỉ là lý thuyết. Bây giờ là thực tế, tôi đang rờ nó, nắn nó và ôi thôi nó đơn giản vô cùng. Lý thuyết mà tôi có còn cao siêu hơn nhiều. Vì tò mò tôi gở ra từng mảnh của máy in, máy photocopy để xem người ta “set up” như thế nào, lòng tôi lúc đó rất háo hức: học lại, ôn bài lại rồi tôi tự hứa mình phải là một kỹ sư điện tử.
    Ý  tưởng đó đưa tôi đến trường đại học. Sẵn lúc được làm ban đêm và ngân hàng trợ cấp tiền học. Tôi ghi tên vào Đại học cộng đồng gọi là Community college. Những trường này thường dành cho những người lớn tuổi và lở thời. Mộng của tôi là ôn lại TLH để thành giáo sư TLH.
    Ngày  đầu mới gặp nhân viên hướng dẫn, họ đã  loại tôi vì chưa đủ Anh ngữ. Tôi lên (liều lỉnh)gặp  ông Hiệu trưởng  trình này hoàn cảnh của mình , nói với ông  tôi là một người mới hội nhập, lớn tuổi, đang rất khó khăn. Ông thầy thấy lời trình bày của tôi  có lý: “Xin thầy cho em học mấy môn Toán – Lý - Hóa, trong khi theo mấy môn đó em được học thêm phần Anh ngữ”. Thế là tôi được thầy thông cảm xếp vào hàng sinh viên đặc biệt, được thì “ok”, không thì thôi.
Buổi đầu học môn Toán gặp cô giáo non choẹt, cô đưa cho tôi bài toán, tôi chỉ liếc qua và có đáp số trong 5 giây, cô ta sững sờ  và phê cho tôi miễn học lớp này và tôi được chuyển qua một lớp cao hơn.
 Ở lớp này tôi gặp một anh Mỹ đen to như con trâu nước, hắn nói lớp này có mười bài thi, nếu tôi qua khỏi 10 bài mới được lên lớp trên. Tôi chỉ Yes sir! Hắn đưa cho tôi một bài thi, tôi làm trong 5 phút và tôi được 100 điểm hoàn hảo. Hắn xem lại và khen tôi giỏi, tôi mừng và vừa bước ra khỏi phòng thì hắn kêu lại và nhìn tôi bằng con mắt ngạc nhiên: “I give you wrong test” hắn giải thích đây là bài thi thứ 10 mà mày làm 100% như vậy lớp này mày khỏi học. hắn mới dẫn tôi lên gặp ông Viện trưởng toán học.
 Đó là ông Diamond, nơi đây tôi có cơ hội trình bày tình trạng học vấn và kiến thức của tôi ở Việt Nam. Vì tôi không đủ Anh văn nên tôi xin ông 5 phút, tôi vào thư viên mượn cuốn sách toán của tác giả Thomas. Tôi chỉ cho ông cả quyển sách và nói “Tôi đã học cuốn đó 10 năm về trước”. Ông gật đầu và viết đưa tôi tấm giầy giới thiệu đến một ông thầy đang dạy lớp Toán hình học giải tích, môn học đó  ở Việt Nam nằm trong chương trình  lớp MPC. Thế là tôi trúng tủ. Nhưng thầy nói lớp đã học được 3 tuần rồi. Cậu đến quá trễ va hẹn tôi sang năm .Tôi năn nỉ thấy rất lâu,  cuối cùng ông đưa ra một điều kiện: “Hôm nay là cái Test đầu tiên, nếu mày làm được 80% thì được dự lớp”. Tôi cám ơn thầy và ngồi làm bài. May thay bài toán chỉ là số mà ít chữ English, tôi làm hầu như trọn vẹn. Duy có một câu định nghĩa Function là gì tôi giải thích bằng tiếng Việt. Ông kêu tôi lên phòng, hất hàm hỏi tôi: “Mày viết tiếng gì làm sao tao hiểu”. “Tôi viết tiếng Việt, và tôi có thể giải thích bằng tay vì tôi không biêt tiếng Anh” Ông lắc đầu  nhìn tôi bằng đôi mắt “No Idea”. Thật là một sinh viên quái dị. Thế nhưng ông là người thương tôi lắm. Ông thường hay trò chuyện với tôi. Có lần ông hỏi tôi “Cậu cứ vào lớp là ngủ, cậu có nghe tôi giảng bài trong khi ngủ không”. Tôi thưa: “Dạ có, tôi học trong khi ngủ”. Số là những kiến thức đó tôi đã có trong tiềm thức từ Việt nam. Hầu như môn Toán – Lý – Hóa tôi ghi danh cho có mặt chứ tôi không cần học cũng biết. Dù có ngủ mấy đi nữa mà bài 100% là ok. Ông thầy nào mà quan tâm cái chuyện ngủ nghê của học trò.

Những kỷ niệm vui tại trường cộng đồng.
    Các môn Toán – Lý – Hóa  tôi  qua một cách dễ dàng nhưng  những môn luận văn, kinh tế, đàm thoại lịch sử thì tôi qua một cách khó khăn. Trở ngại nhất là lớp tâm lý  và nghệ thuật thuyết trình:
    A-Lớp tâm lý học: Xui cho tôi gặp phải một cô gái trẻ mà lại khó tính. Người đâu đẹp quá mà tính như bà già. Cô ta giảng bài  rất hay và lưu loát, đùng là giáo sư Mỹ “chất lượng cao”. Tôi chỉ hiểu sơ sài. Một lần tôi bị chất vấn với câu hỏi “Trong thời đi học, khi gặp một vấn đề khó nhớ thì bạn phải làm sao”. Tôi ngẩn ngơ và thật lúng túng. Sau vài giây tôi hỏi lại cô: “Cô có biết công thức lượng giác không? I Know, Why? - Cô ta trả lời. Tôi không thể dịch bài thơ công thức lượng giác bằng tiếng Mỹ được và tôi bèn đọc một hơi “Sin A bằng đối trên  huyền, cosin thì lấy kề huyền chia nhau, tang A bằng đối trên kề, cotang đảo lại đối kề đã chia”, Cô ta ngẩn ngơ và trố đôi mắt xanh mướt nhìn tôi. Tôi thấy rợn người và khó giữ nỗi bình tĩnh. Tôi mới giải thích, đó là bài thơ giúp trí nhớ, khi thuộc bài thơ này thì muôn đời không quên công thức đó. Cô ta kêu tôi đọc lại. Tôi đọc thật chậm rãi và ngân nga dài ra nghe như hát nhạc. Cô ta lắng tai và phát vào bài tập 90%, tôi mừng hết lớn.
B-Lớp nghệ thuật nói trước quần chúng (The speech):
Tôi lại trúng tủ nữa ở lớp nầy. Kiến thức tôi có từ Việt Nam. Sau năm hết tiểu học tôi đã đọc cuốn sách Nghệ Thuật Nói Trước Quần Chúng của cụ Nguyễn Hiến Lê dich của Gs Dale Carnegie Lớp này cũng vậy , cô giáo trẻ ơi là trẻ và đẹp ơi là đẹp. Vào cái chương “Chỉ dẫn người khác làm một điều gì”. Tôi chọn làm sao để tự may một cái quần. Vì tôi gốc là thợ may nên tôi chỉ cách cắt và tự may một cái quần. Tôi cũng không quên, bày ra một câu chuyện là giả sử bạn đang ở một nơi mà áo quần không có, tiệm may không và hàng quán cũng không thì đây là cách để tự mình sinh tồn. Điểm cho bài thuyết trình của tôi 100%. Cô giáo hỏi tôi: “Are you a tailor?”, “Yes,I am”, tôi trả lời. Cô nở nụ cười mím “You are so nice ”.Đến ngày thi Final của lớp đó là “The speech”, mỗi thí sinh tự chọn một đề về “Thuyết phục người khác làm một điều gì theo ý bạn”.Nghĩ mãi không ra.. Tự nhiên ngày thứ ba, coi tivi gặp chương trình nói về “Cái họa của hút thuốc lá”. Tôi liền gọi cho viện bài lao để xin tài liệu. Nơi đây họ rất vui mừng và cung cấp cho tôi 60 gói tài liệu đã soạn sẵn lời thuyết trình cũng như hình ảnh, từng lá phổi lành mạnh đến lá phổi ung thư. Thế là tôi không cần làm gì hết, chỉ mang 60 gói đó phát cho cả lớp 60 người. Tôi chỉ soạn thêm vài câu hỏi rồi đưa cho vài sinh viên và sau khi phần thuyết trình xong, họ hỏi tôi và tôi trả lời thật duyên dáng và lưu loát. Lớp học tôi vang lên lời hoan hô và tiếng vổ tay rầm rập. Cô giáo cho tôi con “A+”, điểm hạng ưu, từ đó mấy người bạn học đồng hương cho tôi cái biệt danh “Thằng Huế điếm” ,có người chua hơn cho tôi “Thằng lẻo mép”. Có đứa bảo tôi “Con bé đó mê mày, mày mới được con A+. Sau môn đó, tôi được gắn luôn biệt danh “Huế điếm” . Tôi đã có đủ 60 chứng chỉ và bằng cán sự điện và điện tử, thích hợp cho cái “Job” chuyên viên cán sự, rồi sẵn sàng bước vào trường Đại học Virginia.
Cái  đau của việc chọn nhầm ngành.
Sau khi hoàn tất lớp cán sự ở trường cộng đồng, tôi được quyền chọn ngành học. Vì khá toán nên tôi chọn “Computer science” vi tính học. Tôi ghi danh vào lớp toán học cấp cao, các môn phụ là văn chương, Anh ngữ, Kinh tế và Quản trị. Năm học này tôi gặp quá nhiều sự thiếu thốn: Đó là thiếu “thời gian”. Vì tôi tham lam chạy đua với tuổi tác và tiền. Phải giữ cái Job và phải hái cho bằng được bằng kỹ sư vi tính. Tôi đã nhầm vì chương trình học đòi hỏi sinh viên phải chu toàn với bao nhiêu dự án phải hoàn tất. Một cái môn thảo chương qua quy trình của nhu liệu FORTRAN đã nghiến hết bao nhiêu thì giờ. Hồi đó computer thật đơn sơ chứ không như bây giờ. Một chương trình giải một phương trình đơn giản thôi mà phải mất một tuần mới xong. Năm ấy người ta thảo chương bằng cách đánh máy vào carte IBM đục lỗ. Đánh máy 100 tấm carte mất một tiếng rồi đứng sắp hàng chờ máy đọc kết quả có khi hai tiếng. Nhiều khi phải thức nguyên đêm để hoàn tất một kết quả. Sau năm học đó, tôi trở thành một ông già 70. Sau một năm, tôi tự tìm thấy tôi đã “nhầm” và quyết định quay về với ngành điện và điện tử.

Chuyên ngành điện và điện tử
    Thập niên 80, ngành điện tử bắt đầu cải cách. Những phát minh mới và máy mới công nghệ tân tiến ra đời ào ạt. Nhu cầu chuyên viên  bất tận. Các trường học vội vàng mở ra môn mới, ngành mới, nhất là ngành chuyên viên kỹ sư điện tử. Tôi vội vàng nắm bắt. Một may mắn đến cho tôi là khi tôi làm việc cho hãng điện của tiểu bang(Vepco); công việc của tôi thật đơn giản. Tôi chỉ cần một ngày sửa một cái máy cassette. Sau một thời gian ngắn, tôi trình lên ông sếp là tôi cần học thêm để lấy bằng kỹ sư điện,với điều kiện, do tôi đề nghị, tôi có thể sửa một ngày 30 máy, nhưng phải cấp cho tôi một phòng thí nghiệm. Ông sếp cho tôi thử. Với phòng thí nghiệm riêng , tất cả máy móc hư hỏng  tôi chu toàn một cách tốt đẹp. Sếp khen tôi rất nhiều và cấp cho tôi tiền học, sách vở và thì giờ. Hằng ngày tôi ở trong phòng thí nghiệm, ngoài cửa treo tấm bảng “HIGH VOLTAGE CẤM VÀO”. Thế là tôi dùi mài kinh sử trong căn phòng cấm đó mà không ai biết.
Hai năm học ESET
(Cử Nhân  Khoa Học Điện Tử)
    Khi ghi danh vào Đại học Virginia State University, trường cho tôi biết tôi được miễn học các môn Toán – Lý  – Hóa vì tôi biết quá nhiều và thặng dư tín chỉ từ trường Cộng đồng.  Thật ra đó là tiềm năng có sẵn nhờ những năm tháng học  ở Việt Nam. Đó là một kho tàng tiềm ẩn trong tôi mà tôi không hề hay biết. Các môn học qua đi rất nhẹ nhàng.Hai năm học ở đó tôi chi bỏ thì giờ nhiểu cho sự phụ giúp cho các thầy May mắn thay tôi được mấy thầy giúp đỡ. Một ông thầy dạy về Thảo chương, (Fortran)một nhu liệu cần có để cho một kỹ sư, khi ra trường cần có để áp dụng có thể giải những phương trình về toán học. Sau thảo chương đầu tiên, tôi được điểm xuất sắc và thầy chọn tôi làm phụ tá cho thầy, thế là môn đó tôi khỏi học. Vào môn Kế toán  công nghiệp thì tôi không ghi danh được vì lý do “kẹt giờ” tôi không thể dự lớp. Ông thầy lớp đó gặp tôi, tôi tâm sự với thầy là tôi cần 3 chứng chỉ đó để kịp ngày ra trường. Thầy thông cảm và cho tôi ghi danh “vượt trội”, có nghĩa là: ghi danh ngoài vi tính, và thầy rủ tôi một lần, hai lần đến nhà thầy. Một chuyện mà trên thế giới chưa  bao giờ có. Đến nhà thầy chỉ nói chuyện với thầy chơi thôi chẳng học hành gì. Thầy nói rằng: “Khi ra làm việc, phần này là công việc của các cô thư ký, còn kỹ sư không cần rớ tới, chỉ hiểu là được. và đó là 3 tín chỉ cuối cùng.


THESE
Để được ra trường , sinh viên phải làm These “đề án” tự chọn, gọi là These. Một lần nữa tôi gặp may mắn là trong tay tôi có cả phòng thí nghiệm riêng. Tôi ra phố mua một con chip (IC chip), một con mắt điện từ, vài cái điện trở và các linh kiện khác đễ hoàn thành một Circuit Board. Lúc đó đồng hồ đo điện tiêu dùng là những con mắt tròn chạy bằng cơ học. Tôi quan sát đồng hồ điện chạy ra làm sao rồi cho con mắt điện từ nhìn qua một cái lỗ nhỏ trên bánh xe Barlaw. Thế là mỗi lần con mắt nhận ánh sáng xuyên qua lổ là cho ra một vạch trong thẻ nhớ và tương đương 7W, những  con số được thể hiện qua hàng số LED và ta đọc được số tiêu thụ hàng ngày  như số bình thường. Project của tôi được thầy khen và cho tôi điểm xuất sắc. Thầy cố vấn cho rằng  tôi nên Apply bằng sáng chế và khi đi xin việc thì nên trình Project này ra là có kết quả tốt. Thật thế, tôi làm theo lời thầy dạy nhưng Apply bằng sáng chế thì tôi không có tiền. Khoảng vài năm sau các hãng điện ào ạt ra đời với cách làm như Project của tôi. Tôi tiếc hùi hụi “tại sao không apply bằng sáng chế đó”.
Như vậy, chỉ khoảng hai năm thì tôi lấy được bằng BSET thay vì phải mất bốn năm, quà thậ hên ơi là hên.
 Ngày  đi nhận bằng tôi được mặc chiếc áo thụng màu xanh, khăn quàng màu vàng, chiếc nón vuông, tua màu vàng lung linh bên vành tai, chễm chệ lên sân khấu nhận bằng, bước theo bản nhạc vui mừng cho một chân trời mới. Lòng tôi không dấu nỗi hân hoan. Từng tia nắng mới lung linh và ngàn hoa bay, nghiêng nghiêng một khung trời tươi mới. Và lòng tôi đang bay cao, bay cao. “áo mão cân đai, mày râu lẫm liệt” đã biến tôi, “một kẻ khốn cùng” thành cậu khóa .Tôi ôm lấy vợ tôi và và bạn bè cùng tôi nhìn về một tương lai rực sáng.   
     Sau khi lấy được bằng B.S.E.T  “Nhìn về tương lai rực sáng”, nhưng nhìn lại mình thành đạt, tuổi đời đã hơn 40. Cái bằng BSET , than ơi !cũng phải bỏ vào thùng rác. Cơn buồn tuổi tác làm tôi nghĩ lại về những ngày qua: Phải chăng mình chỉ là một tên điên khùng. Tôi đã chạy theo việc học như chạy theo một cơn mê tình ái  Điên ! đúng là một tên điên .Ai sẽ mướn tôi, một kỹ sư già  ra trường ở tuổi trên 40?!!             
Thế nhưng, cuộc đời tôi có nhiều cái hên kỳ lạ.. Sau khi ra trường, tôi “đánh bóng” tờ Resume (lý lịch cá nhân), gởi đơn xin việc kèm theo bằng cấp và kinh nghiệm cho hàng trăm hảng, rồi chờ “cái hên” tới .Tôi bất chấp cái việc tuổi tác kia vì luật lao động cũa Mỹ là người tuyễn mộ cấm không được hỏi tuổi và sắc tộc .Tôi được nhiều hãng chiếu cố. tôi phân vân rất nhiều qua những cái hên đến với mình, cuối cùng tôi chọn hãng AT&T ở gần nhà.
Thử thách đầu tiên khi vào AT&T
Mặc dầu tôi đã ra trường với bằng cữ nhân, nhưng họ nghi ngờ khả năng của tôi (vì VSU là trường Mỷ đen, đại dỗm) nên họ bắt tôi phải qua một buổi sát hạch. Bài thi có 70 câu hỏi làm trong 70 phút. Thi xong tôi về nhà chờ đợi. Sau đó một ngày cô thư ký (Vicky) gọi cho tôi hay là tôi đậu nhưng mà phải vào thi lại vì hội đồng nghi ngờ tôi đã lén lút dùng máy tính vì xưa nay chưa có ai làm bài đó bằng tay mà lại được 100%. Tôi nói tôi không dùng máy tính nhưng mà muốn tôi thi lại thì OK.” Thiệt vàng quản chi lửa”. Thế rồi bước thử thách qua đi rất êm đềm. Ngày đầu vào làm được sếp khen bằng cái bắt tay rất thân mật. Sau ba tháng làm việc với chức vụ Electronic Technician sếp kêu tôi lên văn phòng và thăng chức cho tôi làm kỹ sư huấn luyện , sếp cấp cho tôi một ngân khoản 100 ngàn đô để tổ chức một lớp học bồi dưỡng kiến thức cho các chuyên viên điện tử.
Mở lớp học điện tữ
 AT&T đã cung cấp cho tôi một phòng học với đầy đủ trợ huấn cụ, bất cứ thứ gì cần là tôi có quyền mua . Lớp của tôi là những chuyên viên già, đa số là cựu chiến binh đã từng tham chiến ở Việt Nam. Họ chỉ có kiến thức căn bản và rất đơn sơ về điện tử, nhưng hảng phải mướn vì chìu theo lịnh của chính phủ liên bang để giãi quyết nạn cựu chiến binh thất nghiệp. Họ cần được bồi dưỡng hầu cập nhật những sản phẩm mới về ngành điện tử. Ngày đầu, tôi đứng giãng bài rồi ra bài tập xem họ có hiễu gì không, tôi chỉ nhận được một vài bài trả lời, số còn lại thì bận ngủ rồi nộp giấy trắng. Hỏi tại sao:” chúng tôi không cần hiểu những điều đó và chúng tôi chỉ cần đô la, cần tăng lương” đó là câu trả lời của bài tập đầu tiên cho một người “thầy” VN như tôi. Họ là những người xem ra có nhiều bất mãn và rất ư là kỳ thị, họ khinh gét tôi vì chính tôi mang khuôn mặt Việt Nam, một địa danh đã  mang họ đến gần cõi chết từ một thời binh lửa .Thế là tôi đang đối diện với sự khó khăn mới, một sự thử thách mới trước lớp học 30 người không ra cái thể thống gì và tôi cũng không thể lấy quyền gì để đuổi họ , rầy la hay đe dọa. Tôi trình bày với sếp, sếp trả lời:” đó là điều tôi đã biết trước nhưng tôi tin vào cái tài dạy học của bạn, bạn hảy cố gắng mà giúp tôi”.Suy nghĩ hoài về sự cố nầy, không lẽ lại đầu hàng ! Đến đây tôi xin phép được dài dòng. Tôi nhớ lại ngày xưa, khi làm gia sư cho một cậu học trò không chịu học và rất khinh bỉ thầy (Thân Trọng Hóa) vì chính hắn quá ư thông minh và rất kiêu ngạo. Hồi đó, tôi không thể dạy hắn được và mỗi lần tới giờ học là tôi kể cho nó nghe về những chuyện đời lẩm ca lẩm cẩm, chèn vào câu chuyện là kinh nghiệm học toán và toán học được áp dụng trong đời sống như thế nào.Tôi chỉ đùa vui bằng bài toán đố vui để học. Nó thích nghe tôi kể chuyện hơn là học toán. Một lần tôi chứng minh cho nó là tôi có thể tìm ra cái sai của toán học là : 1 bằng 2 và tôi thách nó hảy tìm ra cái sai đó. Thế là từ đó hắn dốc lòng tìm tòi. May mắn cho tôi là nó không tìm ra và tuyên bố “em thua thầy”. Từ đó nó với tôi không phải là thầy trò mà là hai người bạn thân thiết và tôi đải nó một chầu chè Bến Ngự , nhân tiện tôi giải thích tại sao có trường hợp trên và không quyên tặng nó hai cuốn sách , Người Học Trò Giỏi Nên Biết và Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie do Nguyễn Hiến Lê dịch. Hắn cho tôi hay:”sau khi đọc hai cuốn sách trên em thấy anh là một người khác, em xin cám ơn thầy” Từ đó nó học rất chăm và  hỏi tôi nhiều hơn là tôi dạy nó. Nó có đến thăm tôi sau khi đậu kỹ sư công nghệ…Tôi áp dụng phương pháp nầy cho lớp học của tôi và kết quả thật tuyệt vời.  vào mỗi buổi học tôi thường kể cho họ nghe chuyện đời ,chuyện chiến tranh Việt nam cũng không quyên chèn vào đó những mạch điện được thiết kế như thế nào để trái mìn nổ nhanh nổ chậm theo ý muốn của mình.Tôi cũng không quyên gợi cho họ kể chuyện quá khứ của đời mình qua thời chiến tranh Việt Nam. Lớp học của tôi đã trở thành trung tâm giải trí “bổ phổi”.Và sau đó tôi nói gì họ cũng hoan hô và răm rắp nghe tôi giảng bài. Cuối khóa học họ cho tôi một món quà để cám ơn “thầy”. Xin cám ơn đời, tôi vượt qua tai họa. Sếp nhờ tôi tìm trong đám thợ đó 2 người để thăng chức kỹ sư phụ tá điện tử. và tôi đã hoàn tất tốt đẹp.
Đây là hãng truyền thông lớn nhất của Mỹ thời đó. Nơi đây họ lại cho tôi tiền để học thêm cao học. Công việc của tôi là làm về R&D (Research Development)và huấn luyện chuyên viên sửa chữa hệ thống dây chuyền (automation system), PLC và AUTOCAD . Công việc làm thật nhàn hạ. Lại được làm trong phòng thí nghiệm. Nơi đây tôi được cấp học bổng để học thêm về chương trình cao học điện tử (MASTER ELECTRICAL  DEGREE). Học được hơn nửa chương trình thì tôi được hãng thuốc lá Philip Morris USA chiếu cố. Tôi tham lam chức vụ cao hơn và tiền nhiều hơn, làm mất đi cái bằng ME.
Thử thách khi làm việc cho Philip Morris USA

 Nơi đây, một công việc mà tôi hằng mơ ước. Không phải tiền và cũng không phải chức vụ cao mà tôi  ham muốn. Một yếu tố làm cho tôi vui mừng là tôi, chính tay tôi tự xây dựng một cổ máy 100% tự động như cơn mơ của tôi từ thời mới 5 tuổi.Cơn mơ đó như thế nầy.Lúc tôi 5 tuổi, tôi theo gia đình ra Quãng Trị thăm cậu tôi đang làm giám đốc nhà máy nước. Đến đó , tôi khoái nhất là nhìn cái bẩy ruồi tự động, những con ruồi bay vào kiếm mồi rối nằm chết trog cái lồng, con nầy rồi đến con khác, tự động nhốt mình và không ai lèo lái gì hết. Hình ảnh đó cứ in sâu vào tâm khảm tôi, nên tôi ước mơ hoài một cơ hội, thì đây là một cơ hội thật tuyệt vời: tôi hoan hỹ nhận việc.
Vào đây với chức vụ Project Engineer(chức vụ thật kêu). Tôi được giao phó xây dựng những cổ máy khổng lồ. Ngày đầu ngồi đọc tập sách Quy Trình Hành Động của cổ máy , tôi phải một phen chóng mặt và chới với. Tôi mất ăn mất ngủ cả một tuần. Chỉ đề hiểu thôi, là một vấn đề. Hai tuần sau, tôi mới ngày đêm miệt mài . Với PLC và Autocad V-02, tôi đã viết được tập sách dày 500 trang để trình sếp. Sau một tuần,  sếp ký ok, tôi mất thêm hai tuần để viết một gói thầu lắp ráp. Công trình thứ nhất được hoàn tất tốt đẹp sau sáu tháng.Tiếp tục qua một dự án thứ hai, tôi cũng hoàn tất tốt đẹp. Như vậy sau hơn một năm tôi đã thực hiện hai tác phẩm đầu tay. Tôi đã phải bỏ lớp Cao Học của trường Virginia Tech. Tôi đã thấm mệt nhưng rất hài lòng là đã làm được. Có nhiều khi, hằng giờ tôi say mê ngồi xem cái máy vận  hành và sản phẩm luân lưu trên dòng chảy của convey theo ý của mình một cách ngoan ngoãn. Thật là tuyệt vời, điều hành viên chỉ cần bấm cái nút là máy tự lo lấy.

Tôi bị sa thải
Sau khi hoàn tất hai hệ thống tự động, kết quả tôi tự học PLC và Autocad .Thật tôi rất toại nguyện, cơ hội đã chìu theo ước mơ.Tôi tự thưởng cho mình và gia đình hai tuần nghỉ ngơi tại California. Tôi trở về sau 2 tuần nghỉ phép, việc đầu tiên là vào thăm đứa con tinh thần. Nơi đây tôi được một tin không vui: cổ  máy  của trôi trở thành “điên” lúc dòng điện OFF  rồi ON và ông Nelson đã chỉnh sửa.Tôi mới biết chuyện gì đã xẩy ra từ một lỗi nhỏ của tôi trước đi nghỉ phép.Trở lại văn phòng tìm gặp Nelson để cám ơn và hỏi về sự cố.Gặp hắn tôi nhận được sự lạnh lùng  cùng thái độ thiếu thân mật..Hắn đã lảnh tránh những câu hỏi  của tôi. Tôi đang đối diện với một không gian tẻ lạnh , vào ra văn phòng như một cõi chết.Tuần sau, vừa mới vào thì nhận đựơc giấy mời của sếp vào họp..Nơi đây tôi được báo cáo là cổ máy thứ hai của tôi ngưng hoạt dộng. Tôi xin một lời giải thích,.Mr. Hershal Nelson cho hay: “sau khi bị cúp điện, bộ nhớ của máy bị mất và chạy theo sự náo loạn, không ra cái thể thống gì” Tôi hỏi hắn “trước đây mấy tuần thì máy  chạy ra làm sao ?”hắn nói OK và  tôi hỏi hắn:”thế bạn đã xử lý ra sao”hắn nói  tôi đã sửa chữa  toàn bộ và phần nhu liệu của mầy hoàn  toàn  hư hỏng” Tôi nói trước buổi họp bằng câu hỏi:”ông Hershal Nelson, là một kỹ sư thâm niên, là một người thầy của tôi, là một kỹ sư dày kinh nghiêm mà hành xữ như thế, nói như thế thì tôi xin hỏi quý vị, có ai trong chúng ta đồng ý  cách hành xữ đó không?Ông chỉ cần chạy lại phần nhu liệu có chứa trong cái tape mà tôi đã lưu trữ ngay trong bộ điều hành và kèm theo bảng chỉ dẫn(troubleshooting guide), việc làm đó chỉ mất một phút. Ông chỉ muốn cho lớn chuyện thôi và ông muốn đổ hết cho tôi những lỗi lầm” Tôi chỉ nghe những tiếng xầm xì và tôi nói thêm “ cổ máy đã chạy ba tuần và đã ra sản phẩm trước khi tôi nghỉ phép và tôi đã giao máy cho Plant Engineer, hơn nữa trong khi tôi viết bản nhu liệu đó trước mặt ông Nelson và với sự đồng ý của một kỹ sư thâm niên(Nelson) tôi mới ra đi “. Như một việc đã  tính trước, ông sếp tôi chỉ tuyên bố :H.Nelson báo áo với tôi là mầy đã làm quá tệ trên cổ máy đó, nhất là phần nhu liệu mà mầy đã viết, chúng tôi thấy mầy đã làm hại cho hãng quá nhiểu, nay chúng tôi yêu cầu mầy trả lại thẻ vào cổng và rời khỏi công ty”.tôi thật choáng váng và khó giữ được bình tỉnh, hóa ra họ không xem câu trả lời của tôi ra gì.Tôi biết, thế là xong rồi, tôi không cãi cọ làm gì cho mất công .Tôi như con chim én giũa bầy muông sói.Tôi đang nhớ lại câu Kinh Thánh”Lòng người dối trá  hơn mọi vật “ câu đó đã cho tôi niềm an ủi và bình tỉnh. Tôi trao thẻ cho sếp và xin thưa ” thưa ngài, tôi rất kính trọng và cám ơn ngài đã cho tôi một cơ hội để hoàn thành giấc mơ của tôi, hai cổ máy đã hoàn thành và đang chạy ngon lành đủ làm tôi hài lòng và riêng cho sếp là một người tài ba chỉ huy của hảng PM. Tôi xin khâm phục lời tuyên bố vô cùng thông minh của ông. Tôi cũng xin thán phục ông cái tài tảng lờ lời tôi nói . tôi ra khỏi đây nhưng lòng tôi thật trong sạch. Tôi không có một lỗi lầm nào mà chỉ có hai công trình tôi thực hiện một cách tuyệt vời Xin Cám Ơn”. Tôi quay lưng và  bước qua cổng thật nhanh như người trốn chạy.Đám diều hâu ngẩn ngơ, trong đó có một người đồng hương và là một người bạn (Director Nghiêm Xuân Liễm). Niềm cô đơn vụt đến với tôi như một cơn thác lũ. Cám ơn đời đã cho tôi thấy thân phận mình chỉ là một tên nô lệ.Kẻ có quyền và có tiền thì muôm đời “cả vú lấp miệng em.”. Câu tuyên bố “ngu” như thế mà làm sao cái lổ tai nó nghe được nhỉ! Trong một thoáng , lòng tôi thật sự đau, tiếc là tôi không phải là thánh cho lòng được bình an và tôi chỉ lẩm bẩm”thế gian chỉ là cạm bẩy tranh cạnh và oán thù”.”?”
 Buồn quá gọi cho người bạn chánh án(Tim Ellis), Ellis rất phần nộ, muốn giúp tôi nhưng không được vì hắn bây giờ là chánh án của tòa phá án, hắn giới thiệu tôi qua một người bạn. Người nầy hẹn tôi và đòi đưa PM ra tòa để đòi bổi thường cho tôi một triệu đổng.Từ đó trong cộng đồng của người Việt Nam đồn thổi lên :PM phải trả cho tôi một triệu đổng về tội kỳ thị chủng tộc.

]Đây là sự cố]
Xui xẻo làm sao , trong khi tôi vắng mặt, cổ máy thứ hai bị cúp điện và sau khi có điện trở lại thì máy chạy loạn xạ không ra một quy trình thứ tự nào.Điều hành viên bắt buộc cho máy nghỉ và báo cáo lên sếp tôi. Một kỹ sư khác(H. Nelson) đến xử lý thay tôi nhưng y không muốn giúp tôi mà muốn hại tôi thôi, đó là cái cớ dể báo cáo tôi là một kỹ sư non nớt. Ông ta chỉ cần chạy lại “tape”(bộ nhu liệu relay logic), là máy chạy lại bình thường. Thật rất tiếc cho chính tôi, tôi đã sơ sẩy một tý không đáng có. Số là sau khi điều chỉnh nhu liệu vận hành tôi đã quyên không bấm nút “lưu”. Thế nên khi bị điện OFF rồi ON trở lại, máy chạy theo quy trình củ bên trong “Save IC”.Từ một chuyện nhỏ như thế mà tôi bị khiển trách nặng nề và rất nặng nề tới độ tôi phải rời khỏi hãng.]
Ngày hôm sau cô thư ký của ông John Cutter (Electrcal Department Director)gọi tôi trở lại PM.Ông mời tôi ly cà phê và yêu cầu tôi kể lại sự việc .Sau khi nghe, ông nói “tôi sẽ đưa anh trở lại PM “ Tôi nói “ xin cám ơn ông, đựợc ngồi nói chuyện với ông trong hoàn cảnh nầy là một vinh hạnh lớn cho tôi, tôi xin cám ơn và không bao giờ tôi muốn làm cho PM nũa, hai công trình hoàn tất cho PM là một phần thưởng cho tôi rổi , tôi không đòi hỏi gì thêm”.Ông đáp” Tôi sẽ giúp anh trở lại chức vụ và lương  như PM nhưng ở một công ty khácCám ơn ông, tự tôi sẽ tìm ra công việc khác” tô trả lời.
Sau hai tuần nghỉ việc, tôi lại làm cho hãng Plastic (Allieh Chemical) ,chức vụ và việc làm như hãng PM và 3 năm sau tôi nhảy qua công ty điện OLD Dominion Electric Coopetrative .
Thử thách đầu tiên khi vào ODEC
Sau ba năm làm việc cho Allieh Chemical thì tôi bị nghỉ việc(công ty dời qua Trung Quốc).ODEC đang cần một người thợ vẽ Autocad, tôi đến gỏ cữa. Ngày phỏng vấn họ muốn từ chối vì tôi không có bằng hai năm thợ vẽ, thêm nữa là tôi bị quá khả năng (over qualified), họ không thể mướn kỹ sư làm thợ vẽ được(sai luật lao động). Tôi phải thuyết phục họ bằng cách trưng ra tập tài liệu mà tôi đang mang theo và những kinh nghiệm tôi có được khi làm cho PM và AC. Ông kỹ sư tuyễn mộ nhìn vào tập giấy và khen tôi “quá đẹp”. Ông đọc lại tờ Resume của tôi , ngẩm nghĩ một lúc và nói: “tôi chỉ cần bạn làm cho tôi 6 tháng hay là khi xong dự án theo khế ước”. Tôi vui lòng và bước vào một thử thách một cơ hội khác.
Tôi được cung cấp một phòng làm việc rộng lớn cùng các trang thiết bị đủ cho một thiết trí viên hoàn thành một tấm bản đồ 5 màu và rộng 1mx2m. Sau ba tháng thì xong công việc và tấm bản đồ được treo trên tường trong phòng họp. Một ngày họp lớn của nhiều công ty và nhiều quan chức to lớn tham dự, tấm bản đồ thành một đề tài nóng cho mọi người vì quá tiện ích vì chính nó đóng hai vai trò: vừa mềm lại vừa cứng, có nghĩa bạn đọc nó đến 5 lớp, mỗi lớp là một thông tin đầy đủ của các nguồn năng lượng, tiềm năng cùa một tiểu bang. Mọi người trầm trồ khen ngợi, đã có ba hãng đòi mua nhưng công ty tôi chỉ cho mà không bán. Tên Billy Nguyen nằm êm đềm bên góc trái tấm bản đồ, khiêm nhường và nhỏ xíu nhưng hơi khó đọc.Sau lần đó tôi được cái bằng khen. Tôi mừng hết lớn ! ODEC xem lại hổ sơ và đưa tôi về chức vụ Kỹ Sư Điện và đương nhiên họ quyên mất chuyện tôi làm khế ước 6 tháng.
Tôi làm cho hảng nầy lâu nhất và nơi nầy đả cho tôi nhiều quyền lợi nhất. Sau khi tôi đã đem đến cho hãng nhiều sáng kiến, hảng đả thưởng cho tôi chức vụ cũng như lương hướng rất là ngọt ngào.
Những sáng kiến khi làm cho ODEC
Tiết kiệm năng lượng ,Vẽ Bản Đồ Năng Lượng,Thiết kế trung tâm phân phối năng lượng,Nghiên cứu giá mua bán điện và bao nhiêu chuyện khác Sau khi làm xong các dự án trên, tôi được hảng tăng lương và chức vụ rất hấp dẫn. Tôi trở thành Kỹ Sư ngồi chơi xơi nước cho tới năm 2001.
 Thế  là tôi làm ở chức vụ kỹ sư  điện và điện tử được trên 25 năm. Và  hai mươi lăm năm ấy đã cho tôi bao thử thách, đời tôi sao mà chông gai đến thế! Sao mà mấp mô đế thê! Ôi thôi  nói ra thì  dài quá vá quá dài. Nhưng thôi, đại khái là: vì tôi ra trường từ một đại học không nổi tiếng mà là một tên già. Hãng nào cũng bắt tôi qua một thử nghiệm nghiêm trọng trong 6 tháng, sau sáu tháng nếu “Pass” mới nhận là kỹ sư thực thụ. May mắn, tôi chưa hề “fail” một thử nghiệm nào mà có thêm nhiều sáng kiến, rồi từ đó được “promotion” thăng chức tăng lương. Hãng cuối cùng, tôi có nhiều sáng kiến và được bằng khen. Khi tôi thôi việc hãng cho tôi một số tiền thưởng quá lớn, ngoài mong đợi của tôi. Tôi dùng nó để trồng một cây “Đô la” theo giống mới của 2001. Tôi quay qua làm một nghề khác: “nghề chơi chứng khoán”. Cái cây chứng khoán đó thật là sai trái. Và bây giờ dù ở Việt Nam nhưng tôi vẫn hái được trái cây ngon ngọt đó để ăn và thở đến cái độ thừa thải.
Chung quy lại, đời học hành của tôi như là một quy trình chắp vá, “qua từng ãi khốn cùng” nhưng chưa hề rớt năm nào cho dù chỉ đó là việc tay trái. Tôi không bao giờ được đi học toàn thời gian như những người khác. Từ nhỏ cũng như về già  chỉ có học và làm việc, làm việc và học.Có điều là khi qua Mỹ, việc học hành dễ dàng hơn và có nhiều cơ hội để tiến thân hơn ở Việt nam nhiều. Thật vậy, học hành ở đây đối với tôi như những ngày giải trí vui chơi.Tôi càm thấy tôi gặp rất nhiều may mắn trên đường chữ nghĩa. Nhất là trên nước Mỹ, những ngày đi học là những ngày vui, thành đạt và cũng không thiếu hiệu quả và nhiều khi tôi phải nói  THANK YOU AMERICA.
Những chuyện khó quyên

  1. Chính quyền Mỹ và tôi.

Năm 1980 hai người em vợ của tôi vượt biên và được tàu Đúc vớt. Ngày đi định cư họ không được qua Mỹ như lòng họ mong muốn mà họ phải qua Đức. Lòng tôi thật phấn chấn, tôi phải viết một cái thư khiếu nại với  cơ quan Di Trú. Họ trả lời rất ngắn gọn: tàu Đức vớt là phải đi Đức. Cho dù tôi có khiếu nại tới đâu thì câu trả lời chỉ có thế mà thôi. Tôi không chịu đầu hàng và lì lợm, tìm phương cách khác. Tôi đích thân ,làm “mặt dày” đến gỏ cữa văn phòng Thượng Nghị  Sĩ Warner, nơi đây cô thư ký tiếp đón tôi một cách nồng hậu. Tôi “lỏm bỏm” trình bày hoàn cảnh, cô ta hiểu và ba ngày sau tôi nhận được thư trả lời: cặp vợ chồng thì tạm thời qua Đức còn cô gái độc thân sẽ được qua Mỷ và sau khi bạn trở thành công dân Hoa Kỳ, bạn có quyền bão lãnh họ qua  Mỷ theo diện đoàn  tụ”. Tôi mừng hết lớn và không quyên viết thư cám ơn ngài TNS Warner. Tôi không ngờ tôi làm liều mà có kết quả rất tốt.

  1. Vào công dân Hoa Kỳ

Nếu không có chuyện bão lảnh, thì thật tôi không cần vào công dân làm gì. Rất gấp rút, tôi làm đơn xin vào công dân. Ngày đi phỏng vấn, hai vợ chồng chúng tôi đều thi rớt. Tôi buồn bã nhìn ông chánh án, ngài cũng nhìn tôi :“rất tiếc”, ngài nói. Trước khi ra về tôi nói với ngài: Có cách nào hơn không thưa ngài chánh án, ngài phải giúp tôi, một người tị nạn đau khổ. Ông ta hỏi chúng tôi: mầy vào công dân Mỹ để làm gì: Vợ tôi trả lời ngay: để bão lảnh em tôi từ Đức. Ông ta “à” một tiếng và bảo chúng tôi ngồi lại. Ông vội lấy tờ giấy xé ra làm ba và giải thích cho chúng tôi về luật pháp Hoa Kỳ. Mỗi miếng giấy là tượng trưng cho một cái quyền riêng biệt: Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp, ông còn giải thích thêm những câu hỏi mà chúng tôi đã trả lời sai.
Thế rồi, hai chúng tôi vào phòng tuyên thệ và hát bài ca “God Bless America”(Thượng Đế Ban Phước Hoa Kỳ)

 Để thay cho đoạn kết, tôi xin kể cho các bạn nghe một chuyện: tôi đi xin việc.
       Trong khi đang làm cho ngân hàng, lương tiền thật bọt bèo,tôi đọc báo với  lời rao tìm người làm của hãng G.E. Họ cần đến 40 chuyên viên  điện tử (electronic technician), vì thèm việc đó từ lâu nên tôi có tìm đến và nộp đơn, bất chấp là mình không có bằng chuyên nghiệp .Khi vào nộp  đơn tôi gặp một cụ kỹ sư tuyển mộ.  Ông hỏi tôi có bằng cán sự hay chưa. Tôi nói “Tôi chưa được đi học”, “Thế thì làm sao mà thi được”. Tôi sững sờ vì “bị hố”. “Thôi ông cho tôi làm quét rác hay việc phổ thông gì cũng được, từ từ tôi sẽ học sau, miễn là ông cho tôi một cơ hội”. “Không, tôi không có Job quyét rác, mà chỉ có electronic technician”.”Như vậy có nghĩa ông không cho tôi một cơ hội? “, Tôi hỏi ông  Không hiểu tại sao, một giây lát sau ông hỏi tôi “Ở Việt Nam mày làm gì?Và học hành tới đâu.” Tôi nói tôi là đại úy không quân trong ngành tiên đoán thời tiết và học thì trình độ đại học. Toán – Lý – Hóa. Ông “Ồ” một tiếng và mời tôi ngồi ghế. Ông hỏi tôi thêm vài câu xã giao, tôi bao nhiêu tuổi và tại sao mày qua đây, bằng cách nào. Tôi nói tôi là một người tỵ nạn được Mỹ cho phép tôi đến đây làm việc và sinh sống. Sau một hồi trò chuyện, ông bảo tôi vào thư viện mượn cuốn sách điện tử và đọc kỹ chương thứ 10, rồi ngày thứ hai tôi cho anh thi thử.
Tôi vội vàng vào thư viện của quận và mượn cuốn sách như ông đã cho. Tối hôm đó (thứ bảy) tôi nghiến ngấu đọc. Tôi kể chuyện gặp ông đó cho vợ tôi nghe và tôi cần thời giờ để đọc sách đó nên tối nay tôi bỏ chuyện đi chơi. Vợ tôi gạt ngang “Đừng làm cái chuyện mò kim đáy biển”. tôi thấy nàng nói có lý. Thôi, tôi bỏ đi chơi. Nhưng tối hôm đó tôi không ngủ được, và đọc nốt cuốn sách. Cuốn sách bằng tiếng Mỹ, tôi chỉ hiểu lỏm bỏm nhưng những điều hoc ở Việt Nam như dần dần hiện ra. Đám tro tàn phút giây thành đám lửa. Thế là chỉ một đêm tôi khơi dậy đám tro tàn kiến trúc vốn đã bị vùi chôn qua một thời chinh chiến. Và tôi đang đi tìm cái kim trong đáy biển
Ngày thứ hai, tôi vào thi. Bài thi có 5 câu hỏi thật đơn giản của các mạch điện. Tôi làm được hết, duy có một câu hỏi tôi trả lời tràng giang một trang giấy, bằng tiếng Việt thay vì tôi chỉ trả lời một chữ “5V”. Khi tôi nộp bài, ông ta cười cười và chỉ nhìn tôi đăm đăm. Tôi sợ quá “Thôi rớt rồi”. Ông hỏi tôi  “Anh học toán đến lớp mấy” “Thưa ông Đại học”, tôi đáp. Tại sao anh không trả lời ngay là 5V mà lại 4.99V. Tôi choáng váng, xong rồi “đi đoong”. Cố lấy hết can đảm, tôi trả lời là tôi chưa thấy một capacitor nào mà lý tưởng đến độ chứa đủ 5V. ông cười to lên và vỗ vai tôi: “Thưa ông, ông có kiến thức một kỹ sư chứ không phải một chuyên viên”. Tôi nóng lòng hỏi ông “Tôi có đậu không”.Good, Good, very very good”, ông đáp. Tôi cứ đừ người ra, không biết tên này đùa giỡn gì đây. Ông hỏi tôi bỏ học bao lâu mà nhớ đến phương trình vi phân đó. Tôi nói “10 năm”. Ông ta xem lại bài thi và cứ cười hoài vì trong đó có câu: có 4 điểm A,B,C,D ta có thể tách ra được bao nhiêu lần mà không lần nào bằng lần nào. Nếu là người học Electronic chỉ trả lời tức khắc  hai lũy thừa 4 là 16. Thế là xong và phần đúng gọi là 1 phần sai là số 0. Thế nhưng tôi trả lời bằng câu TRUE, FALL trong luân lý học. Sau này nhớ lại cứ cười với mình “cái học Việt Nam sao mà ê hề đến thế”. Ông ta xem lại toàn bài và cho tôi một mảnh giấy nhỏ đem nộp văn phòng. Tôi được nhận vào làm Electronic Technician (chuyên viên điện tử) từ đó và được trả lương gấp đôi ở ngân hàng. Một việc làm liều lỉnh mà kết quả không ngờ.
    Đó là lần tự tôi đi xin việc đầu tiên trên đất Mỹ, một ấn tượng thật sâu đậm trong tim và còn mãi đến giờ, trên 30 năm tôi còn nhớ được tên ông kỹ sư tuyển mộ “Jim Count” và người hướng dẫn nhân viên: “Robert Murphy” .
Tin vui đó tôi đem “khoe” và chia sẽ với bạn bè, người đồng hương trong thị trấn Richmond. Sau khi vào làm ổn định, tôi tìm cách góp nhặt những bài thi đó, truyền ra cho cả cộng đồng người Việt. Họ ào ạt gọi tôi, nhờ tôi hướng dẫn. Hai người bạn thân là anh Hà Hữu Long và anh Trần Thanh Hồng một người là cựu giáo sư và một người cuu kỹ sư, thời Việt Nam cũ. Tôi đã “gò” hai người hâm lại đóng tro tàn kiến thức, vốn nó đã bị chôn vùi bao năm. Cả hai đều đậu. Họ cũng cám ơn tôi nhiều và trả công cho tôi bằng lời khen ngợi và cũng ban cho tôi người hùng điện tử, tiếu lâm thật.!
    Từ  việc đó, lòng tôi hướng về một mặt trời mới lạ. Một năng khiếu “điện tử” trong tôi bỗng thăng hoa. Tôi tiếp tục đào sâu và vươn tới. Và cám ơn “đất trời” đã vun đúc cho tôi một trí nhớ dẻo dai. Vẫn cho đến nay, 72 tuổi hơn mà chưa “thui chột”. Tôi còn nhớ và nhớ nhiều lắm, nhưng nay tay lại run, nét chữ không ngay, văn vẻ không thông suốt như ngày xưa.
Có khi lòng tôi chạnh nghĩ:
 ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe trong hồn cây cỏ mọc hoang vu”(Hoài Khanh) mà quyên đi “kẻ khốn cùng” trong tôi đã mất đi tự lúc nào.Và ngày mai tôi sẽ là hạt bụi nhưng vẫn ước mơ những lời nầy trở thành một món quà cho thân quyến cho bạn bè, một “vết xưa” của một người đã đi qua đời nầy từ cơn khốn khó./.


Phụ Bản
Màu mưa viễn xứ

Ngồi đây trong gió trong mưa
Trong mây phiêu bạt đong đưa nổi buồn
Lời chim kêu bạn đầu thôn
Trong mưa rả rich trong hồn lẻ loi
Mưa rơi giờ vẫn rơi rơi
Rơi trên thân phận trên đời biệt ly

Từ khi vội vã ra đi
Sang đây mới thấy lâm ly nổi buồn
Và đây chỉ có mưa tuôn
Màu mưa viễn xứ mãi tuôn tuôn trào
Bước đường lưu lạc hư hao
Thương mình sao mãi lao đao một đời
Nhớ quê từ cỏi mù khơi
Đại dương ngăn được những lời bi thương ?
Còn đâu từ độ lên đường
Quê hương đã mất vết thương còn đầy
Đường về xa tít chân mây
Nhớ về bạn củ đắng cay tội tù
Đứa thì lưu lạc chiến khu
Đứa thì miên viễn muôn thu bụi mờ
Ngày về duy chỉ cơn mơ
Lạc đường thì chỉ bơ vơ một đời

Ngoài trời mưa vẫn rơi rơi
Trong tôi hoang vắng chơi vơi bềnh bồng
Mà sao tôi mãi viễn vông
Cứ mơ cứ mộng nắng hồng ngày mai
Sao cho nhân thế hòa hài
Vòng tay nhân ái vươn dài đại dương(Hoàng Nật Sơn)


Thà như hạt bụi

Ta như hạt bụi, thà như hạt bụi
Bay trên không hay vũng bùn lầy
Rồi quên đi, quên đi nỗi niềm cay
Rồi quên đi, quên đi kiếp lưu đày

Ta tìm nắng ươm hồng hương tri kỷ
Ta tìm mưa lắng động chút ưu tư
Ta long lanh trong một cõi xa mù
Rồi lịm tắt say mê trời hư vô

Ta đã sống qua bao ngày giông bão
Nét buồn nào khơi dậy vết tang thương
Bao người đI yên  nghỉ chốn thiên đường
Nhìn nhân thế tàn phai theo thế hệ

Ta như hạt bụi lầm than hạt bụi
Bay xa xăm linh đinh mãi ngàn đời
Dù bên kia bên kia vũng mù khơi
Dù bên kia bên kia kiếp xa vời

Ta chờ gió quay về hương cũ
Nghe buồn đau trót dại kiếm con người
Màu phân ly trôi nỗi đến ngàn khơi
Ta hạt bụi mong về quê yêu dấu.(HNS)


Chờ nhau
Ta vẫn ước một lần ôm biển cả
Ghép đôi bờ thành một dịp tơ duyên
Trong tim ta thắm đượm giọt hương nguyền
Và còn mãi cuộc tình thơ thân ái
Theo cơn gió ta phiêu du hồ hải
Một lần đi nối kết cuộc tình thơ
Bến bờ kia xin em mãi mong chờ
Ngày xum họp là ngàn lần găn bó
Tình đôi ta còn đó
Yêu thương hãy còn đây
Dù đời giăng sóng gió
Vẫn còn nổi niềm say
Hương yêu thương mãi đong đầ
Đôi con tim vẫn nồng say
Dù xa xâm ngàn dặm
Chưa bao giờ có đổi thay
Cứ ngỡ một lần đi là chia biệt
Cuộc tình mình như thế dã phôi pha
Ai đâu ngờ dù xa xăm vời vợi
Hương ân tình còn mãi ý giao hòa
Ta mong chờ em, ta mong em đợi
Cuộc tình mình mãi mãi đóa hoa tươi
Ta và em sẽ bước xuống cuộc đời
Niềm hạnh phúc trong ta vẫn chờ đón.(HNS)




Truyện
Chuyện Ma Thảo Đà Lạt
Trước khi vào chuyện

 Năm ấy, gần 30 năm qua, tôi là một sinh viên sĩ quan Không quân được chuyển ra Nha Trang theo học lớp Anh Ngữ để xuất ngoại theo ngành Truyền tin . Đến đây tôi gặp Nga . Mến nàng, tôi đã có ý làm quen. Nàng cũng tỏ ra có cảm tình với tôi . Sau khi bãi trường, nàng và hai em gái lên Đà Lạt chơi một tuần . Nàng có ý cho tôi hay qua một lần gặp gỡ .Tôi rất thích đi theo nàng. Khổ nỗi lúc đó tôi chỉ là một khóa sinh thì không làm gì mà xin phép được . Ngặt nỗi là tôi không còn cha mẹ để lấy cớ cha hay mẹ chết để được lý do chính đáng. Tuy nhiên , may mắn cho tôi là lúc đó có cậu em họ của tôi đang là bác sĩ tại đơn vị . Tôi đưa vấn đề và hắn ta cho tôi được nghỉ bịnh một tuần . Thế là tôi lên Đà Lạt bằng chuyến bay chỡ rau cải của Không Quân (tôi không có tiền mua vé máy bay). Tôi gặp Nga tại nhà ông chú tôi (vợ chú tôi là cô của Nga) và chúng tôi rủ nhau đi chơi Thung Lũng Tình Yêu . Một ngày vui, nàng và tôi thân nhau thêm tí xíu . Có khi, tôi bắt gặp ánh mắt rất ngọt ngào nhìn tôi. Nàng hỏi “anh đang làm khóa sinh mà sao có phép đi chơi vậy “ .. Tôi thích đi với Nga hơn là đi Mỹ, tôi đã bỏ học Anh Ngữ “ tôi trả lời. Nàng chỉ cười mà không nói.Không hiểu nàng thích tôi ở cái điểm nào ? Nhìn lui nhìn tới , tôi chỉ là một tên xấu trai nhưng là có cái vẻ si tình một cách đáng ghét , hơn nữa chỉ là một tên chuẩn úy quèn. Mặc cho nàng nghĩ sao thì nghĩ, tôi yêu nàng có tội tình gì đâu . Những đứa em gái của nàng,người nào cũng đẹp hết . Thật tình cả ba chị em nàng một người mỗi vẻ . Trong những cánh hoa thơm làm gì mà thiếu ong bướm . Trong đám du ngọan hôm đó trai gái khá đông . Những trự con trai đa số sĩ quan có cấp bậc, riêng tôi chỉ là chuẩn úy mới ra trường . Có người cho tôi hay nàng có người yêu ở trong trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt . Tôi nghe, hơi buồn nhưng tự nhủ tôi thích nàng, vì nàng là cánh hoa mà tôi chỉ là con bướm đa tình có sao đâu . Cuộc tình, thật tình như một thoáng mây bay . Dù thế vẫn còn chút gì để nhớ để thương về sau nầy, nhưng là “sau nầy” với cái lỡ làng, oan khiên của một thời tao loạn .

 Chiều hôm đó nàng xé lẽ và đi vào Võ Bị . Vâng, nàng đi thăm người tình của nàng. Đến 7 giờ tối thì nàng trở về nhà ông chú tôi và có tôi ở đó đón chờ nàng . Nàng rất vui vẻ . Tôi hỏi nàng đi gặp Phước (tên người yêu của nàng) có vui không ? Nàng không trả lời và nói sang chuyện khác . Nàng hỏi tôi : Khi nàng xé lẽ đi riêng, tôi có buồn không . Tôi trả lời bằng cái lối hơi tiếu lâm và chính câu trả lời đó làm nàng chú ý đến tôi từ dịp đó . Sau nầy lấy chồng rồi có gặp tôi ở Saigon nàng vẫn nhắc lại câu trả lời ngộ nghỉnh ngày xưa . Nàng nói : Nàng không quên con người kỳ cục như tôi . Câu nói của tôi vô tình xâm lấn vào trái tim nàng và cứ đeo hoài cho đến sau nầy thành bà già vẫn còn nhớ . Trước đời sống mới trên đất Hoa Kỳ nàng vẫn nhắc tới tôi , tôi biết qua những người bạn . Có khi nàng âm thầm tiếc một cái gì trong quá khứ , hẳn là trong đó có tôi ..

Và sau đây là chuyện ma

Sau ngày từ Thung Lũng Tình yêu , nàng về nhà chú tôi 7 giờ tối . Sau khi chúng tôi ăn uống xong và chuyện vãn, cười đùa .Tôi để ý đến cử chỉ là lạ của Nga, nhìn tôi trong bửa ăn, tôi không hiểu và cũng không muốn tìm hiểu làm chi , khi đã biết người ta đang hướng về trường Vỏ Bị .Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần, để ngày mai quên Nga thì con tim khỏi “nhức”.

Đang khi vui vẻ , Nga mặt mày đỏ gay và loạng quạng như người say rượu,đôi mắt nàng nhìn tôi, đôi con mắt rực lữa,  vài phút sau Hồng (em nàng) cũng như thế . Mọi người đều hốt hoảng và xúm lại cạo gió cho hai người . Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô ích. Cả hai người như đang vật lộn với cơn đau đớn. Những triệu chứng la hét và nói bậy bạ như một người điên Tiếng nói lớn và ồ ồ nhưng không phải tiếng nói của họ , cái giọng vừa như là đàn ông vừa như đàn bà . Hai người nổi cơn như làm kinh phong, mắt trợn trừng, mồm há hốc , mặt mày đỏ như trương phi, y như hai cô  đang hát bội "Đổng Trác hý Điêu Thuyền" . Mọi người thấy vậy đều run sợ . Có người nói lớn : Nó bị ma nhập . Tôi thì thực tình không tin cái chuyện ma quỉ bao giờ. Tôi đứng đó một hồi mà không làm gì được , tôi chỉ nhờ mấy cô đánh gió và săn sóc , nhưng cô nào xáp vào Nga hoặc Hồng đều bị hai cô đánh tạt ra . Thế là mọi người hầu như bất lực . Lúc đó tôi quá nóng lòng và quyết định tranh chiến với cơn thịnh nộ của hai cô kia . Khi tôi xông vào định ôm lấy Nga , đẩy vào phòng thì hầu như có một cái sức mạnh, rất mạnh, như cơn gió từ cô Nga tống tôi ra xa . Các bạn ơi ! Tôi bắt đầu run sợ .Đến phiên tôi xáp vào cô Hồng cũng như thế . Tôi nghĩ:Có cơn giận nào mà hai người con gái yếu ớt như thế mà lại có cái sức quá mãnh liệt . Tôi sợ và mọi người đều sợ . Cả hai Nga và Hồng vùng vẫy như muốn thoát ly một cơn lữa cháy . Bao nhiêu người xung quanh dang xa dần và đứng xa xa nhìn mà không có ý kiến gì . Tôi thì nóng lòng quá cho hai cô . Không biết làm gì hơn, tôi chạy qua nhà bên cạnh , hỏi một ông cụ về chuyện nầy . Cụ Cho hay cả hai người đã bị ma bắt . Cụ bảo là bây giờ thử bằng cách kiếm một ít cứt gà bôi vào sợi giây cột vào cườm tay hai cô thì con ma sẽ rời xa . Cụ nhấn mạnh loài ma quái rất sợ cứt gà hay vật gì giơ dáy .Tôi nghe lời cụ và làm theo . Quả thật, khi cột cứt gà vào cả Nga và Hồng đều la hét thảm thiết và xin lạy buông tha .Hai người lúc nầy như con bún nằm dã dượi ,bọt mép, nước mũi sôi lên khìn khịt . Cả Hai bông hoa kia,trong phút giây tàn tạ như hai thây chết . Cả hai cô lúcnầy cánh tay bị cột cứt gà và cả hai đều dang dài cánh tay dơ và muốn nó lìa khỏi thân thể . Thỉnh thoảng hai người la hét , năn nỉ xin buông tha .Lúc nầy mọi người biết có ma bắt thật nên ai cũng sợ vạ lây mà đứng thật xa mà nghe ngóng . Tôi ,lúc đó, thấy con ma yếu dần và không còn hung hăng nên cũng lấy hết can đảm xấn tới vừa phỏng vấn vừa ra điều kiện 

- Lợi dụng lúc con ma yếu sức , tôi dìu cả hai cô vào nằm trên hai cái dường khác nhau và bắt đầu hỏi han tra vấn con ma . Mọi người đều sợ, nhưng tôi không sợ nữa . Tôi hỏi Nga: 
- Cô tên gì ở đâu nói ra cho tôi haỵ Thay vì trả lời , con ma, chỉ năn nỉ tôi thả cái giây có nhúng cứt gà ra , tôi nói không là không . Trước sự cứng rắn của tôi con ma đi một chiến thuật khác, nằm im mà không nói gì chỉ thỉnh thoảng bắt hai người lên cơn và vùng vẩy . Nga và Hồng lúc nầy mệt lã như là đuối sức nhiều lắm . Con ma chỉ rên rỉ và la hét và kêu van mở cái giây cứt ra . Ma nói:
 - Ông mở sợi giây đó ra tôi sẽ nói cho ông nghe và ông phải làm gì để cứu hai cô kia . Tôi nói:
 - Nầy nghe, đừng khéo dụ Cô hãy buông tha hai người ra mà xéo đi cho khuất mắt . Hắn nói 
- Tôi là con gái ông nở nào dùng tiếng quá nặng như thế . Thật đầu tiên trong đời , tôi mới nghe một người đàn ông thô lỗ . Tôi tức giận : 
- Cô là con ma mà biết lý sự ..Cô có không mau xéo đi chổ khác . Cô không sợ ăn đòn sao ? Ma la lên :
- Cởi dùm cái vòng ông ơi – ấy ấy cởi dùm cái vòng anh ơi . cởi dùm đi em thương .ôi eo ơi ! tôi nghe cái lời năn nỉ Của hắn dần dần dịu dần và hình như hắn là gái đang dụ tôi thì phải Thật tình lời năn nỉ con ma làm tôi cũng chột dạ . tôi thử đưa ra điều kiện . 
- Nếu tôi cởi sợi dây ra thì cô hãy buông tha hai người nghe . 
- Vâng tôi xin hứa Nhưng than ơi ! Tôi bị nó dụ . Khi cởi ra thì nó nằm im một hồi . Tôi hỏi cô Nga cảm thấy thế nào . Cô nói khỏe và tỏ ra tỉnh táo . Tôi nghe tiếng nàng trả lời quả thật tiếng của cô Nga chứ không phải cái tiếng ồ ồ khó nghe kia nữa . Tôi nói với Nga là cô nên nằm cho khỏe và tôi sẽ kiếm chỗ ngủ, bây giờ tôi mệt quá . Ngày mai tôi sẽ đưa cô ra phi trường đón trực thăng rau cải về lại Nha Trang . Mừng cho cô đã thoát nạn . Tôi hỏi thêm Nga có cần kêu Phước ra đây săn sóc cô không . Nga nói"thôi không cần, có anh ở đây em thấy yên tâm rồi". tôi nói” không có ai trên đời tốt hơn người yêu mình, tôi nghĩ chỉ Phước tới đây giúp Nga thì tuyệt vời”. Nàng không nói mà lườm đôi con ngươi vào tôi rồi day mặt qua một bên để tìm cái ngủ.

Các bạn ơi ! Vừa nói xong thì cô Hồng lại lên cơn . Nàng quằn quại trông thê thảm, quính quá tôi nhờ mấy cô kia đánh dầu cạo gió lung tung . Một lát sau cô Hồng được hạ xuống và cô Nga lại lên cơn , cứ như thế hai chị em thay nhau lên cơn suốt đêm . Lúc đó tôi ngái ngủ . Với cái sức trai như tôi mà không chịu nổi huống gì là hai cô gái đào tơ mít ướt . Tôi tức quá chưởi mắng con ma , nhưng hầu như nó không thèm nghe thấy gì . Lúc đó đã gần 6 giờ sáng . Tôi thấy quính lên rồi nên chạy qua nhà ông cụ ban chiều để vấn kế . Cụ cho biết là bây giờ có cách là đánh nó . Tôi hỏi đánh sao ? Cụ chỉ cho tôi đánh ma thì phải đánh bằng roi dâu . Thế là tôi cho người đi chặt cho tôi một ít cành dâu . Các bạn ơi ! khi tôi dùng cây dâu đánh nhẹ vào vách tường , ngoài cái phòng có cô Nga và Hồng nằm , thì cả hai người la hét và van xin thật thấm thiết . Tôi sợ hai người không chịu nổi nên chỉ hù nhẹ thôi và càng ngày càng nhẹ tay . Con ma hầu như nó cũng ớn tôi sao đó mà nói lời trách móc rất nhỏ nhẹ

.- Anh sao tàn nhẫn quá vậỵ Đánh em thì đánh nhẹ thôi chứ . Anh là một người đàn ông ác và phủ phàng với đàn bà con gái .Anh không biết hổ thẹn hay sao . Tôi cứ nghĩ là những câu nói nầy của cô Nga, nhưng cái âm điệu thì lạ tai mà rất là khó nghe .

-          Nầy cô là thứ ma quái, cô lý sự như vậy tôi sẽ mời thầy pháp tới đây thì khốn nạn cho cô . Hắn cười; tiếng cười ghê rợn và ma quái thật . Trong tôi hình như có cục nước đá chạy dọc từ cổ trở xuống đến xương cụt . Bạn ơi ! Lần đầu trong đời tôi thấy ơn ớn .

-          Ông ơi, bây giờ là ông, ông là một tên thầy pháp ghê gớm rồi thì tôi đâu có sợ gì nữa

-           Tôi nghe mà rợn đến á khẩu . Bây giờ thì tôi thấy dùng biện pháp mạnh không được rồi . Nếu đánh roi dâu thì cả hai cô không thể nào chịu nổi . Thôi đành dỗ ngọt .
-          Nầy cô, cô hãy kể chuyện cô cho tôi nghe đị Cô có những ẩn tình nào thì nói hết và tôi sẵn sàng nghe .Trong khi kể chuyện cô hãy buông tha hai cô kia ra nếu không hai cô sẽ chết . Nên nhớ , cô không nghe lời tôi thì tiếp tục bao nhiêu cây roi dâu . Cô có bằng lòng không hay là ngoan cố . Bạn ơi ! Hắn trả lời và cái giọng ồ ồ khó nghe kinh khủng.
  - Tôi sẽ trả lời, nhưng ông ơi tôi đói quá    . Tôi kêu người nhà đem cháo đổ cho cô Nga nhưng Nga nằm mê man và không nói gì thì hắn la lên :
 - Cúng ! Cúng ông ơi cúng cho tôi ! Ôi thôi tôi biết rồi . Tôi kêu người nhà đem ra ngoài trời ít bánh ngọt , chuối và không quên đốt hương , đặt một cái bàn gần giường hai cô nằm . Tôi chẳng biết cúng kiến ra sao . Tôi thấy người ta làm sao thì tôi bắt chước vậy . Vừa khi thắp nhang lên thì ở trong nầy nó nhồm nhoàm nhai nuốt như một người đói lâu ngày nay được bữa no nê . Sau một hồi hầu như no say, nó nhìn vào mặt tôi , hất hàm :
 - Cúng sao không cúng nước . ông ơi là ông ơi ! Tôi chạy ra ngoài xem , thật thế, mấy đứa người nhà quên không mang nước tới . Và sau khi có nước xong , hắn thật thoải mái . Và thật lịch sự .
 - Xin cám ơn anh, em đã đói lâu ngày rồi .
 Tôi thấy tình hình hơi êm , hai cô kia không còn than khóc gì nữa và con ma ra cái điều nhẹ nhàng và cũng tỏ sợ tôi . Tôi bắt đầu hỏi chuyện, tôi mừng thầm trong bụng : kỳ nầy mình thành công.

- Cô cho tôi biết cô là ai và từ đâu đến
- Em là Thảo từ thác Gouga
 - Cái gì Thảo
 - Lê Thị Thảo
 - Vì sao cô lại chết và cô có người yêu chưa trước khi chết ?

 - Em có người yêu và chính người yêu của em mà em chết. Người yêu của em là Mân  Tôi hỏi thêm nhiều câu hỏi nữa, có khi cô ta trả lời xuôi chãi có khi ồ ồ không ra gì , thật giống như mình nghe một cassette mà băng bị nhảo khi được khi mất . Đại khái là cô ta kể chuyện tình của cô ta  

- Ngày xưa lâu lắm, Lê Thị Thảo, cô chỉ vừa 20 , quen và yêu một chàng sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt . Hai người yêu nhau suốt thời gian anh ta thụ huấn . Chàng hứa với nàng sau khi ra trường hai người sẽ thành hôn . Nhưng khốn thay,Nguyễn Gia Mân ngày ra trường không mời nàng đến tham dự mà cha mẹ chàng đem một người con gái khác thay chỗ của nàng .Uất tình, một đêm suy nghĩ, nàng lên thác Gouga cách Đà Lạt khỏang 30 chục cây số, gieo mình xuống thác . Gia đình nàng vớt xác lên và khám phá ra trong túi nàng có cuốn nhật ký chuyện tình . Nàng xin một ân huệ là đem xác nàng chôn trước trường Võ Bị Đà Lạt, bên hồ Than Thở (Cái tên hồ cũng được đặt theo lời thơ than thở của nàng ) để cho "Ngàn năm Thảo vẫn ở bên Mân". Tôi tiếp tục chất vấn Thảo . Chuyện tình buồn quá làm tôi cũng mủi lòng không ít . Tôi có hỏi thêm nhiều chi tiết nhưng Thảo chí có ú ớ và nghẹn lời . Hình như nàng cũng đang sống lại những phút giây tan vỡ trong đau đớn không cùng . Tôi hỏi Thảo qua đề tài khác cho dễ chịu hơn .

- Cô Thảo ạ !
 - Dạ , thưa anh bảo chi ?
 - Tại sao cô bắt cả hai chị em
 - Nếu em bắt một người thì sẽ không chịu nổi , cần có hai ngưòi để thay nhau mà chịu đựng .
 - Tại sao Thảo chọn Nga mà không chọn người khác ?
 - Vào giờ âm thịnh (sáu giờ chiều) Nga đi qua mộ của Thảo . Nàng là Lê Thị Nga còn em là Lê Thị Thảo hai tâm hồn hình như hợp nhau và Thảo nhập vào Nga thật dễ dàng . Thảo muốn kéo Nga xuống nước để cơ may Thảo sẽ cùng Nga đi hóa kiếp chứ như bây giờ như Thảo đây không cách gì hóa kiếp được . Thảo sẽ muôn đời vất vưỡng làm con ma đói .
 - Bây giờ tôi xin đề nghị với Thảo hãy bắt tôi đi và tha cho Nga,. Tôi vốn có sức của con trai mà chịu đựng được. Hơn nữa Thảo có thể tâm sự với tôi . Tôi hứa là tôi sẽ làm mọi sự cho Thảo hài lòng .
- Trước hết Thảo không thể bắt anh được vì anh là đàn ông vía rất nặng , hai là bắt anh thì anh không thể là người tình của Thảo được vì hồn không nhập chứ không phải anh xấu trai đâu . Thảo nói vậy anh đừng buồn . Lại nữa Thảo thấy anh là đàn ông quá hung dữ như ông thầy pháp chứ không phải nghẹ nhàng như anh Mân của Thảo .
 - Cám ơn Thảo . Nhờ có Thảo nói tôi mới biết tôi là xấu trai .
 - Không không ..Anh đừng nói vậy ! Anh có cái duyên là lạ, trông kỳ kỳ.
 - Tôi thấy câu nầy chắc Nga nói chứ không phải Thảo .Có phải Nga không .
 - Không biết ai nói nhưng Nga hay Thảo tuy hai mà là một . Tôi cố ý hỏi cô ta nhiều chuyện nữa và suốt một đêm tôi dùng "điệu hổ ly sơn" để cho Nga và Hồng đở mệt. Gần tới sáng tôi lã người đi và thật mệt. Thảo thì cứ tìm cách nói chuyện với tôi . Có những chuyện mà tôi nghĩ là cô Nga nói chứ không phải Thảo . Vì trong đó có những câu mà Thảo nói như Nga nói với tôi những ngày quen nhau ở Nha Trang. Thật sự tôi nhìn thấy hai tâm hồn Nga Thảo cuộn tròn lại với nhau có thể câu chuyện Thảo nói là do kiến thức của Nga có . Tôi tự đặt ra những giả thiết để trong đêm nói chuyện với ma như là nói với người tình để cho bớt sự và thêm phần hào hứng. Đến sáng, một điều làm tôi mắc cở là cái chuyện hai cô đi nhà vệ sinh . Mèng Đéc ơi ! Nga và Hồng đòi đi cầu . Tôi nhờ người khác (phái nữ) dẫn đi nhưng cả hai đồng thanh không chịu . Biết làm sao giờ , dù quá mệt và thật rất bực mình , nếu làm khác đi con ma Thảo nổi giận thì hai cô chắc chết , tôi đành chịu đựng đến cùng . Sau khi đưa hai cô làm cái chuyện đó xong .Tôi mới nghĩ ra một kế hoạch khác .Tôi đưa Nga và Hồng ở hai phòng cách xa nhau , một người ở trên lầu và một người ở dưới .Tôi ra ngoài bàn nhỏ với chú em tôi (Đại úy Nguyễn Đức Pilot Cesna , hiện định cư tại Cali) là mời thầy pháp về trừ ma . Cậu em tôi đi một vòng , dò la hỏi han sao không biết hắn mang về hai lá bùa , nói là do người ta mách bảo xin bùa trừ ma từ đền Thánh Trần Hưng Đạo . Bùa linh thiệt các bạn a ! Khi tôi đeo quẻ bùa vào thì Thảo la lối om sòm và chưởi rủa tôi thậm tệ . Chưởi rủa thì chưởi rủa nhưng tôi quyết một lòng ra tay, không ngọt ngào như đêm qua nữa . Bây giờ Thảo tha hồ lên án đàn ông , nào là một lũ phản bội , nào là phường giả dối nào thứ điêu ngoa .Sự hằn học sự giận hờn,nhưng tôi giờ là một tên thầy pháp thẳng tay trừng trị con ma Thảo tội nghiệp và thật đáng yêu . Bằng đủ mọi cách, rất khó khăn buộc bùa vào tay cô Nga . Một mình Nga thôi mà hai người ôm cũng không trị nổi . Tôi để cho họ tạm yên ít lâu cho hai người thêm sức và chờ cơ hội treo bùa vào tay . Khoảng gần chiều, khi cơ hội thuận tiện tới hai quả bùa được đeo vào . Ban đầu Nga và Hồng dẫy dụa như con cá trên thớt , nhưng tôi (thầy pháp bất đắc dĩ)phải cắn răng vậy .Tôi tìm cách nhỏ nhẹ với Thảo để thực hiện những kế hoạch tiếp . Tôi nói với Thảo
 - Đây là hai quả bùa mạnh nhất, Thảo nên buông tha hai người ấy ra, nếu không hậu quả sẽ không lường được . Nếu Thảo nghe lời tôi, tôi sẽ mời thầy về cúng cho Thảo và rồi sẽ được hóa kiếp , quên Mân đi mà đi đầu thai .
- Thảo sẽ đi, sẽ buông Nga ra nhưng với điều kiện là hãy đem Thảo lên mộ và cúng cho Thảo tại đó , rồi Nga và Thảo đường ai nấy đi .
 Tôi làm theo lời yêu cầu . Một chiếc Taxi được mướn và chở chúng tôi từ Đà Lạt lên Hồ Than Thở trước trường Võ Bị . Nhưng các bạn ơi ! Trên đường , khi ngang qua hồ Hồ Xuân Hương, Thảo nằng nặc đòi xuống để tản bộ với Nga một vòng . Nó năn nỉ đủ điều và thả những tiếng tán tỉnh , nịnh hót rất tình tứ với tên thầy pháp (tôi).Thảo ngồi trong xe đòi tung cửa để ra ngoài, cả hai ba người nếu lại và dằng co cho đến khi khỏi bờ hồ . Dọc đường tới mộ cô , cô ta khóc lóc năn nỉ thảm thiết . Khi đến mộ, thật ra tôi không biết mộ cô ta ở đâu,chỉ đi theo hướng cô ta chỉ . Khi xe đến một bãi tha ma ,cô ta kêu ngừng lại và muốn đi bộ với Nga quanh hồ nhưng đều bị cự tuyệt . Tôi hỏi Thảo cái nào là mộ của cô thì cô chỉ một cái mộ thật đơn sơ , duy chỉ một nắm đất lè tè không khác gì mộ Đạm Tiên mà Nguyễn Du kể trong truyện kiềuTè tè nắm đất bên đườngRầu rầu ngọn cỏ nữa vàng nữa xanh Thế là tôi cho đặt đồ cúng lên cái mộ đó . Các bạn ơi ! Quái lạ thay , con ma Thảo bây giờ không chịu xuống xe nữa và nó cũng không thiết tha gì cái chuyện cúng quảy mà cứ bám vào tôi trông rất sợ hải . Tôi kéo buông ra mặc dầu Thảo năn nỉ đủ điều . Tôi hỏi cô muốn gì nữa . Cô chỉ nằng nặc chở lên trường Đà Lạt . Thế là tôi không kiên nhẫn được nữa . Tôi quyết định cho xe trở lại Đà Lạt và nói với ma Thảo .
 - Tôi đã đầu hàng và tôi sẽ giao cho thầy pháp xử lý .
 Con ma Thảo nín thinh và nó cứ dòm tôi bằng hai con mắt óan hờn . Nó lại la tóang lên :
 - Thả tôi ra, thả tôi ra . Các người sao ác quá .
 Và cứ thế mà la cho đến khi xe về Đà Lạt . Thật sự bạn ơi ! Lê Thị Thảo , Nga và tôi dùng dằng không ra cái thể thống gì gần hai ngày hai đêm . Hai hôm sau bố mẹ của Nga đem nàng về Nha Trang . Tôi trở về Nha Trang bằng trực thăng rau cải . Về đến Nha Trang, ma Thảo vẫn đi theo, nó quậy quá không ai chịu nổi nên bố mẹ của Nga đem nàng và Hồng vào trong một cái chùa gần nhà . Các bà , các ông thầy tu tụng kinh bên trong thì bên ngoài đêm đêm có tiếng khóc tỉ tê nghe rất não lòng . Tôi không nhớ lúc nào thì Nga và Hồng lành bịnh. Vì chuyện du học nên tôi vào SaiGon sau đó và chỉ nghe nàng đã đi lấy chồng. Ngạc nhiên, không phải là Phước (sinh viên Đà Lạt) mà là một sĩ quan hải quân. Tôi gặp Nga tại Saigon, lúc đó nàng theo chồng đóng đô tại Bộ chỉ huy hải quân . Nàng gặp tôi, một mình trên phố Bonard. Ngỡ ngàng nhưng ra chiều thân mật . Tôi đãi nàng một ly kem trong quán Pagode . Biết nói gì đây khi hai đường đời ngăn chia miệt mài . Bây giờ nàng đang định cư tại Cali . Tôi ghé đó một lần , không gặp nàng nhưng nghe Nguyễn Đức (tên Pilot Cesna) nàng nhắc đến tôi khá nhiều và nàng tâm sự với Đức , lấy Tâm (tên Hải quân) là một tang thương cho nàng; nàng cũng nói nhiều khi cha mẹ cũng có điều sai .

 Chuyện xưa kể lại . Tôi xin chúc các bạn có được niềm vui . Đây là câu chuyện thật mà những nhân vật hiện còn sống sót qua cơn binh lửa . Chuyện nầy cũng khó nhòa phai trong tâm tư tôi . Không phải là chuyện ma quái nhưng có khi chuyện tình có khác gì ma quái . 

Đời người có được bao lâu Mà chuyện yêu đương biến biển sầu.

Năm 2002 tôi gặp Nga ở Sandiago California, chúng tôi có một khoảng thời gian khá dài để kể hết chuyện xưa.Và sau đây là chuyện xưa ấy(sẽ tiếp)

Billy Nguyen Hoa Kỳ (1997)



Một cuộc tình đau
Cuộc tình tay ba xẩy ra 25 năm về trước. Những tủi hờn mất mát tự lòng người. Trước cảnh vừa mới bị phân ly từ quê hương và phận người trước xã hội mới .
Hà, một chàng thanh niên lanh lẹ, hoạt bát. Trước 75, chàng lăn lộn giữa thương trường như một "anh hùng" hái ra bạc một cách dễ dàng. Chàng bay nhảy, tung hòanh từ hang cùng ngỏ hẻm. Nơi nào có bóng dáng người Mỹ là nơi đó có chàng . Sống trong một quốc gia chinh chiến, nhưng Hà lại được thong dong ngoài vòng cương tỏa. Trên những con đường bay nhảy làm ăn, Hà gặp và làm quen với một phụ nữ đang bán bar cho GI tại Vũng Tàu.
Lang, không biết xuất thân từ đâu nhưng cùng nói tiếng Bắc như Hà. Lúc đó, nàng có cái nhan sắc của cô gái mới lớn. Làn da trắng cũng như mái tóc dài đã làm mê mệt biết bao chàng lính Mỹ choai choai mới vào đời. Thật nàng như một cánh hoa lạc giũa rừng gươm. Nàng có tất cả những nụ cười, tiếng nói của cô gái lẵng lơ đã đưa nàng đến địa vị then chốt : cánh hoa hốt đô la lính Mỹ. Quán ăn nhậu nào có nàng là lính Mỹ bu quanh .

Ha lẩn lộn trong đám GI (lính Mỷ)và không thoát ra khỏi cái chuyện bình thường: mê nàng. Hai người từ yêu đến hẹn hò, gắn bó rồi thành vợ chồng .
Cuộc tình chàng quá sôi nổi nhưng đầy sự xung khắc từ cái chữ môn đăng hộ đối . Bỡi gia đình chàng là một gia đình nề nếp thì khó mà chấp nhận cho chàng kết hôn một cách dễ dãi như thế. Cuộc tình, chàng vẫn tiến đến mặc cha mẹ ngăm đe, khuyên nhủ. Cơn mê tình ái chàng không còn lối thoát . Mặc cho cha mẹ đau khổ, tuyệt vọng và cuối cùng song thân chàng từ bỏ chàng, không coi chàng là đứa con đã sinh đẻ nữa. Mặc cho cha mẹ buồn đau, chàng vẫn như con thiêu thân, kết nàng làm vợ.
Miền Nam sụp đổ năm 75, chàng dắt bồng vợ , 4 con cùng với bào thai ra khơi, đến Mỹ. Richmond (Va) là điểm mà họ làm lại cuộc đời. Nơi đây, những ngày đầu, khó khăn đến với họ không ít. May mắn, chàng gặp một người đồng hương (Thinh) và trở thành người bạn .
Thinh sang Hoa Kỳ du học trước 75. Hắn có địa vị và là một người thuộc hạng trí thức trong xã hội. Với bằng cấp, địa vị của Thinh làm Ha ngưỡng mộ và kính phục . Ha không hề có ý nghi gì lòng tốt của Thinh. Ha cũng rất hãnh diện được quen biết và là bạn của mình Thinh giúp đỡ gia đình chàng thật nhiều trong những bước đầu . Thinh thường lui tới với gia đình Ha hằng ngày, thân mật đến độ như người nhà, như là anh em . Thinh đã thay Ha giải quết những khó khăn hằng ngày .

Một trong những khó khăn nhất của chàng là đứa con thứ năm. Đứa bé ra đời trong trường hợp khó khăn . Phí tổn sinh nở quá ư là cao . Với cái bill $20,00.00, chàng không tài nào trả nổi. Trước cái nan giải đó, Thinh đưa đề nghị hai người Ha-Lang vờ ly dị và phí tổn giao cho xã hội lo. Ha nghe lời mà làm theo và cám ơn Thinh là người lịch lãm, khôn ngoan ở trường đời.

Thế là Ha phải ra riêng, thỉnh thỏang chàng ghé thăm nhà. Những lần về nhà, Ha bắt gặp sự lạnh nhạt của vợ. Những cử chỉ lời nói của nàng đều thay đổi. Chàng bắt đầu tìm hiểu. Cái gì đã làm cho vợ chàng hờ hững, lố lăng trong lời ăn tiếng nói . Cơn giận chàng bùng sôi. Một lần cãi lộn rồi xô xát giữa vợ chồng, chàng cho Lang một bạt tai. Lang đã gọi cảnh sát can thiệp và Ha không bao giờ được đến gần vợ nữa. Cái gì làm nàng thay đổi" Câu hỏi đó cứ cuốn lấy chàng. Phải chăng Thinh" Sự có mặt của hắn" Những ngày ở riêng, Ha thường suy nghĩ về đời quá khứ, đời con gái của Lang. Ha nhớ lại một tấm hình chụp Lang và một GI Mỹ ôm nhau. Hà tức lắm, nhưng thôi bất cần. Hà đã ban cho Lang một cơ hội, lấy chàng để xóa sạch một cuộc đời đen tối, thế mà Lang quên đi hết.

Chuyện xưa, Lang không cần nhớ nữa. Bây giờ, với Thinh, nàng có tất cả. Trên xứ tự do nầy, Lang bấu lấy Thinh mà không chút gì e dè. Nàng quyết chí, dứt khoát một người chồng mà bây giờ là một tên vô tài bất tướng, không địa vị.
Trước sự vuốt ve ngọt ngào của Thinh, nàng càng chán chê mà dứt bỏ không luyến tiếc .
Tiền, địa vị của Thinh, năm đứa con, Lang yên lòng hưởng những ngày nhởn nhơ, đủ êm ả một đời .
Cơn tức bực của Hà ngày càng sôi sục. Oan ức và đau đớn dày vò mãi tâm can. Những đứa con , là tim là óc, là ruột là máu là hơi thở, thế mà chàng không được gần gủi. Mỗi lần Hà về thăm nhà là Lang gọi cảnh sát. Cơn tức bùng cháy khiến chàng đi theo một mưu định: mua một cây súng và chờ cơ hội thanh tóan Thinh, một người bạn phản trắc.
Hà đã chọn ngày Cô Hồn, hóa trang và mang mặt nạ, xách súng đến nhà Thinh. Cây súng đã sẳn sáu viên đạn. May mắn, đối tượng không có nhà, án mạng không xẩy ra. Khó có cơ hội khác.

Những lần được gặp con, nghe những đứa con nhỏ vô tư kể cho Ha nghe những sự "săn sóc", chung đụng giữa Thinh và Lang làm Ha tăng thêm cơn giận. Ha không làm gì được. Chỉ vì số nợ $20,000.00 mà chàng nhận sự xúi dại của con quỉ trong tay áo chàng.
Không thể ở đó mà chịu nữa. Thế là một ngày, nhân chuyện mất việc, chàng bỏ đi một nơi thật xa. Qua Cali, chàng lấy vợ và làm lại cuộc đời. Quên đi một cuộc tình đau.
Tưởng như thế là xong, cơn đau có vơi đi nhưng uất nghẹn vẫn còn đó. Hình ảnh con quỉ cứ ám ảnh lấy chàng. Nó vẫn còn đó, sống nhởn nhơ giữa xã hội.
sau gần 20 năm xa cách, Hà trở lại Richmond, và biết thêm rằng Thinh, sống với người vợ cướp từ tay bạn vẫn chưa thỏa những lạc thú. Hắn về Việt nam, với lời yêu cầu của Lang, tìm cách đưa cô em gái sang Mỹ. Cô em gái của vợ rơi vào tay hắn. Cuộc tình lâm ly mãi cho đến lúc cô gái ngây thơ mang phải bầu .

Hắn đã thành công trên đường tình ái chiếm đọat. Hắn còn đó, ung dung sống giữa xã hội. Người vợ 5 con mà Thinh cướp đi từ tay Hà nay hắn đã buông ra.

Riêng Lang, sau lần li dị thứ hai, đời nàng như rơi vào hố thẳm. Những người đàn ông đi qua đời nàng vẫn còn đó. Họ đã làm lại cuộc đời.
Lang vẫn luẩn quẩn với tháng ngày đơn côi. Phải chi ngày xưa, khi được Ha bốc ra khỏi vũng bùn lầy nàng cứ vin lấy đó để xây hạnh phúc cho mình thì ngày nay nàng là người đàn bà có phúc có phần. Càng nghĩ nàng cảm thấy u uẩn. Nguyễn Billy Xuong



Tôi sinh ra và lớn lên giữa hai cuộc chiến. Ở tuổi non nớt, tôi đã hứng chịu những cơn bom đạn, những cuộc di cư chui rúc vào rừng sâu, bụi rậm. Khi vừa kịp lớn trở về làng thì than ơi, làng mạc là đống tro tàn và thây người ngang ngửa. Tôi trở thành đứa bé mồ côi giữa quê hương bom đạn, vất vưởng đó đây để mưu sinh. Trong môi trường đó, những tính xấu xa tha hồ phát triển, nhưng chả bao giờ biết mình đang cưu mang bao thứ trùng độc. Mãi cho đến ngày bước lên chiếc tàu cứu vớt của người Mỹ, những cá tính đen thui của tôi mới dần dà biến hóa.
Bước lên chiếc tàu Mỹ khổng lồ sau mười ngày lênh đênh đói khát, chúng tôi được xếp thành hàng một để lần lượt nhận thức ăn và nước uống. Những người lính Hải Quân Mỹ với bộ đồ trắng chỉnh tề đón chào chúng tôi bằng nụ cười luôn nở trên môi. Mỗi lần phát thức ăn cho những người đi ngang qua, họ luôn kèm theo một lời chào.
Vào lúc ấy, trong tôi cái tính tham lam, chen lấn, vô trật tự chỉ muốn vùng lên. Đã bao lần tôi muốn lấy sức mạnh mình chen qua hàng đàn bà con nít mà vớùi lấy thức ăn. đó là thói thường của tôi ngày xưa.
Sau khi đã an vị trên chiếc tàu khổng lồ, chúng tôi được gọi lên phát thêm những thứ cần thiết khác như băng vệ sinh cho đàn bà, tã lót cho trẻ con cũng như thuốc men cho những người bịnh họan.
Sẵn tính tham lam, tôi đã có kế hoạch ghi thêm tên trong gia đình để lãnh thêm được nhiều đồ và tôi đã qua mặt người Mỹ. Thật tình người Mỹ quá ngây thơ, chất phác. Bây giờ nhớ lại tôi mới thấy mắc cỡ.
Người Mỹ cũng là loại người nguyên tắc. Khi chúng tôi còn tạm trú trong trại, mỗi bữa ăn do lính Mỹ nấu và phát. Cái món mà lúc đó cả gia đình tôi đều thích là bắp ngọt. Trong bữa ăn trưa mỗi người chỉ được một muỗng thôi. Tôi năn nỉ xin thêm, người lính ra hiệu nếu muốn ăn thêm thì đi lại vòng thứ hai hoặc thứ ba. Vì cái nguyên tắc đó mà làm khổ tôi phải đi nhiều lần, trong lòng tôi cứ nghĩ những tên lính nầy đều là thứ người máy thì đúng hơn.
Có khi tôi nghĩ đến cái tính xấu tham lam của mình mà mắc cỡ nhưng lại được an ủi là có nhiều người khác cũng làm cái việc na ná như tôi. Có người, lúc nào có đồ ăn ngon là họ đi rất nhiều lần và mỗi lần như thế không quên mang theo những đứa con nhỏ vừa bồng vừa dắt. Thức ăn họ mang về lều và chất đầy giường ngủ, không biết làm sao ăn cho hết.
Một tính tham nữa của tôi là khi đi nhà cầu thì mang luôn cả cuộn giấy về lều, sợ rằng lần sau không có. Cũng an ủi cho tôi nữa là hình như cả cái trại đều làm y như vậy, tôi đen nhưng cũng có người đen như mình. Một điều nữa làm tôi ngạc nhiên là sau đó họ bỏ vào mỗi nhà cầu cả chục cuộn giấy mà không có một lời than phiền hay khuyến cáo nào hết. Bình dị quá là người Mỹ. Phung phí quá là người Mỹ.
Khi tôi là trưởng trại để lo cho khoảng 500 người, mỗi lần ghi vào khỏan đồ tiếp liệu tôi ghi gấp mấy lần con số (do tính tham lam) thế mà tên lính Mỹ chẳng bao giờ thắc mắc hoặc hỏi han gì và cũng không bao giờ dặn tôi nếu dư thì đem trả lại. Chính vì thế mà những người ở trại của tôi khi lên máy bay qua Mỹ tay gói tay mang tòan là xà phòng, áo thun, đồ lót và bao thứ linh tinh khác và khi tôi rời trại, cái kho tiếp liệu còn nhiều, tôi tham nhưng không tài nào xách nổi. Tính tham của tôi, than ôi, cũng do từ cái khổ cái nghèo đeo đẳng lâu năm trong đời người.
Một tính tốt của người Mỹ mà tôi học được là chuyện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín. Một số người đã qua lọt bên đảo Guam, vì nhớ nhà, nhớ nước hay đang yêu tổ quốc, họ đốt cờ Mỹ, đảù đảo Mỹ, đốt trại Mỹ, hát bài ca tụng Bác Hồ và hô khẩu hiệu Việt Nam muôn năm. Họ đòi về nước, người Mỹ vâng theo yêu cầu của họ. Tôi nghe một người Mỹ kể là họ phải sửa lại tàu và trang bị đầy đủ cho việc hải hành 30 ngày.
Với tôi, nếu là người Mỹ thì tôi để cho họ về và vẫy tay ra khơi sống chết thây kệ. Người Mỹ chu tòan ngược lại ý nghĩ bần tiện và xấu xa trong con người của tôi. Lúc đó tôi cũng ngầm trách tại sao người Mỹ không khuyên can họ mà phải tốn cả triệu đồng để cho họ về rồi phải khổ thân họ. Sau nầy tôi mới thấy người Mỹ có một nguyên tắc khác là: tự do và an tòan là điều tối thượng của con người. Chính tôi mới thấy ngu ngơ nguyên tắc nầy.
Những ngày đầu đến Mỹ tôi làm công việc đem hàng ra xe cho khách hàng. Khi không có một khách hàng nào, tôi ngồi hút thuốc tỉnh bơ. Một lần, người cai bắt gặp, ra hiệu cho tôi vào văn phòng và căn dặn tôi phải luôn luôn tỏ ra là bận bịu để gian hàng dễ coi. Tôi hiểu và thắc mắc, tại sao không rầy tôi trước mặt người khác như tôi đã từng làm bao nhiêu năm với mấy người lính của tôi mà phải gọi tôi vào văn phòng cho nó rắc rối. Hóa ra người Mỹ có cái nguyên tắc chỉ huy khác người Việt. Đây cũng là bài học cho tôi về sau nầy khi chỉ huy một đám thợ.
Cũng bài học đó, một lần nữa, khi tôi làm việc cho hãng GE. Công việc của tôi là kiểm soát những máy khoan tự động. Sau khi kiểm soát các mạch nối cho các giòng điện chạy theo qui hoạch, máy được đem nung đủ 120 độ trong 24 giờ. Vì vô ý, tôi đã chỉnh nhiệt độ quá cao làm hư một cái. Vậy mà tôi chỉ bị quở trách nhẹ trong văn phòng mà đồng nghiệp không ai hay.
Với nghệ thuật chỉ huy như thế, tôi tự nguyện luôn luôn cẩn thận và làm việc thật đắc lực cho hãng.
Hằng hà sa số tính tốt của người Mỹ mà tôi đã học được. Những bài học đó thẩm thấu vào tim óc tôi, tôi đã dùng nó để học hành và cư xử sau ngày tốt nghiệp.
Ra trường, tôi chỉ huy một tóan thợ, lắp ráp và sửa chữa máy tự động. Công việc hằng ngày thường vấp phải những khó khăn. Nhân viên và cá tính của họ làm tôi nhức đầu không ít. Một trong những rắc rối là người thợ làm sai. Khi họ làm sai, thay vì la mắngï, nhờ sẵn có những bài học, tôi liền áp dụng mà nhẹ nhàng giúp họ trở thành những nhân viên tốt. Có khi tôi phải chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc đời. Đó cũng là bài học mà tôi học được từ tính thân hữu của người Mỹ.
Sự phớt tỉnh và tính bình dị của người Mỹ cũng làm tôi suy nghĩ như là một triết lý sống. Đa số người Mỹ thường không phản ứng mãnh liệt và xô xát trước cái sai quấy của người khác.
Qua những lần họp hành với người Mỹ, họ thường ít khi to tiếng hay tỏ thái độ hằn học. Nếu một người đưa ra ý kiến mà không hợp thì họ chỉ nói những câu là sẽ xem lại hay tôi nghĩ như thế nầy thế kia chứ không có chuyện nói thẳng mặt là ông đã nói sai, vô lý hay là vô ích, không có cái kiểu đốp chát như tôi ngày xưa. Có lần tôi đưa ra một vấn đề thật hơi kỳ cục, kèm theo tiếng Mỹ không ra gì, thế mà họ phản ứng rất là hòa nhã, có khi còn giúp tôi nói rõ ra nữa.
Tính sẵn sàng giúp đỡ người khác của người Mỹ cũng làm tôi chú ý và học hỏi khá nhiều. Một lần, tôi viết một nhu liệu cho một hệ thống máy, bản thảo chương quá dài và rắc rối qua một tiến trình phức tạp. Tôi nghĩ là tôi đã viết đúng và máy chạy thật nhuyễn rồi. Lòng tự hào của tôi cũng tự nâng cao, thế nhưng trong đó có một yếu điểm mà tôi không hề nghĩ tới, đó là sau khi điện cúp, tiến trình bị ngưng lại và không biết bắt đầu lại từ đâu. Một kỹ sư cao niên gặp tôi và đưa ra câu hỏi đó. Thay vì ông đó nói thẳng với tôi là anh đã làm sai rồi và làm lại đi, ông ta chỉ nhẹ nhàng nói là tôi nghĩ cái tiến trình mà anh viết chúng ta nên xem lại điểm đó, có nên không. Cùng cách nói thôi mà làm cho cả hai đều nhẹ nhỏm. Với tôi, khi nghe như thế thì lòng mình tự nguyện mà làm khá hơn. Và rồi nhiều khi nghĩ lại, giá như ngày xưa còn bên Việt Nam tôi có cách nói như thế thì có thể tôi ít gặp thất bại.
Sau nầy khi trưởng thành trong nghề nghiệp, tôi được gởi đi bổ túc những lớp về chỉ huy; tôi cũng học hỏi thêm nhiều về nghệ thuật chu tòan công việc của người Mỹ.
Tinh thần trách nhiệm là một trong những nguyên tắc căn bản của nhân viên. Vì nguyên tắc đó mà ta thường thấy các chuyên viên và người chỉ huy ít có sự xung khắc như ở Việt Nam ta. Tế nhị và khéo léo về lời nói cũng là một đức tính tốt của người chỉ huy. Nhìn sơ thì ta thấy lối chỉ huy, lãnh đạo của người Mỹ như là lè phè, chậm chạp nhưng khi đã vào guồng máy rồi thì nó nhanh chóng vô cùng. Có khi ta thấy một ông kỹ sư chỉ im lìm, mỗi ngày làm chút xíu mà kết quả thật vô cùng khích lệ. Người Việt ta thường thấy như thế mà hiểu lầm và chê Mỹ dở.
Khi tôi làm việc cho AT&T, công việc của tôi là chỉ đi vòng vòng nhìn xem những máy đang họat động, có nhiều người Việt thấy vậy, cho tôi là anh chàng thất nghiệp. Họ cũng hiểu bên ngoài thôi, họ không biết trong đầu tôi đang nghĩ gì . Nếu tôi không nghĩ ra một sáng kiến nào thì ắt là ra khỏi cửa ngay. Cũng lạ, người Mỹ quá ư bình dị mà mướn một người như tôi để làm chuyện cà nhõng! Nói thế cũng hơi oan cho tôi. Không có công gì thì trên những phiếu trình công tác chắc tòan chữ màu trắng hết.
Nhìn chung, đa số người Mỹ có nhiều đức tính rất tốt. Trong những đám đông, dù là nơi ăn chơi, người Mỹ cũng tỏ ra lịch sự và hiền hòa. Nếu không có những tính tốt đó thì xã hội nầy khó mà tiến lên được.
Những điều đã học được, tôi mong giữ nó lâu dài hầu cho con cái, thế hệ sau đi theo con đường nhẹ nhõm./.(Xương Billy nguyên)



Đó là cái tựa đề mà tôi bắt gặp khi có dịp chuyện trò với một số bà con người Việt Nam. Vào hôm thứ tư tuần trước, khi tôi làm bồi bàn cho nhà hàng Saigonese, tôi gặp một số người Việt.

Chúng tôi thân mật trò chuyện với nhau, lẽ dỉ nhiên bằng tiếng mẹ đẻ rất thoải mái. Trong nhóm của họ có ba "cô" trung niên và người nào cũng mang máng hài lòng với cái đề tài "tình hận". Có thể đây cũng là câu nói đùa vui thôi, tôi tưởng như thế. Nhưng, câu chuyện đi xa thêm thì là chuyện hơi thực. Mỗi người hầu như có mang theo cái buồn man mác về tình yêu.

Tôi xin phép họ để viết lên mặt báo vậy. Họ vui vẻ đồng ý và tôi đang viết đây.

Câu chuyện sau đây là một trong những cuộc tình đau mà 25 qua tôi sống trong cộng đồng người Việt, tôi đã có dịp nghe và thấy
Cô Vân, tạm gọi như thế. Trông cô còn trẻ, cô ngồi bên cạnh cô con gái rất xinh mà tôi tưởng là em của cô. Cô tự giới thiệu, tôi mới biết. Tôi hỏi về ông xã, cô cho hay "Sang đây, mới biết ông xã đã có gia đình." Rồi cô kể tiếp:
Năm xưa, 25 năm rồi. Lúc đó tôi còn bé, tình yêu đến như một tự nhiên, như một cái mệnh mà không ai thoát ra khỏi. Cái mệnh của hạnh phúc hay là phước của tuổi trẻ. Miền Nam sụp đổ, cuộc tình ngắn ngủi đi dần vào cơn bão đổi thay.
Chàng, ở cái tuổi phải thi hành nghỉa vụ, ra đi, có ngờ đâu không hẹn ngày về. Khói lửa bên vùng Campuchia cuốn hút lấy đời chàng. Sài gòn với tôi cùng cháu đây còn ở trong bụng. Làm thân thiếu phụ trong một đất nước nhiễu nhương lúc bấy giờ. Nỗi chết khó rời chàng, lòng tôi hằng bao đêm ngày lo lắng.
Chàng thì biệt tăm, tôi, một mình hứng chịu những cơn bão đổi thay. Không còn nữa tình người, không còn nữa tình gia đình. Một xã hội mới đang dấy lên những tang thương rách nát và mạng sống con người như giữa phong ba bão táp. Tôi kéo lê đời mình trong lạc lõng, đói nghèo và đe dọa. Đứa bé ra đời trong quạnh hiu, đói khát. Không biết từ phép nhiệm mầu nào đã cho chúng tôi cái sống.
Những ngày mưa, những tháng nắng, mẹ con tôi côi cút trong căn lều rách nát. Tiếng khóc của con thơ đòi sữa, vú mẹ đã cằn khô. Có khi tôi tưởng chừng cái chết đang chờ chúng tôi đâu đó. Đói! Từng cơn đói đến với chúng tôi từng ngày. Hạt gạo, chén cơm như một ước mơ xa vời. Thương quá đứa con vừa lọt lòng mẹ mà đã nhuốm màu tang thương. Cứ thế tôi cứ bám vào cuộc đời như một con sâu bò kiếm thức ăn trên những vũng thối tha của một đất nước điêu tàn. Chàng ở đâu" Tôi vẫn mong chàng về.
Một ngày, nhận được tin chàng còn sống và đã vượt biên. Tôi mừng lắm, chàng đã thoát ly khỏi một địa ngục trên trần gian. Tôi hết lòng sung sướng, đời vẫn có chàng, sức sống trong tôi bừng trổi dậy. Cuộc tình giữa chàng và tôi, tuy cách xa mà thắm đượm hơn bao giờ. Có tin cho hay chàng sẽ sớm định cư tại Hoa Kỳ, một nơi, nghe như cõi thiên đàng mà mọi người dân Việt thường ước mơ.
Một ngày vui, nhận được thư chàng viết từ Mỹ, tôi đọc và đọc mãi như một khúc nhạc tình reo vui trong buồng tim lá phổi :
Em yêu quí,
Chắc em ngạc nhiên nhiều. Anh viết thư nầy cho em mà chính lòng anh run lên vì sung sướng. Aùnh sáng tự do ôm chòang lấy anh, chân anh đang bám vào mạch sống mới. Em giờ ra sao " Có bình an " Có khỏe không" Con chúng ta ra đời có êm xuôi không " Trai hay gái " Nếu là gái chắc nó xinh như em " Anh lo cho em quá. Xin em cứ yên tâm, anh đang đi vào đời mới và nguyện một lòng đắp xây hạnh phúc cho riêng chúng ta.
Vài hàng ngắn ngủi để báo tin, anh sẽ viết cho em sau.

Rồi những năm tháng sau đó chàng gởi cho tôi những thùng quà. Mỗi lần có giấy báo lòng tôi như đón nhận một bản nhạc tình. Hạnh phúc dần tan trong mạch sống mới.

Đứa bé lớn lên ngày càng xinh xắn, khỏe mạnh. Và chính tôi như một thân cây khô đang vươn mình sống dậy. Tình yêu ở viễn phương là một mạch sống vươn dài theo bóng hạnh phúc. Nắng ấm trên tay và nắng ấm trên cây.

Hai mẹ con tôi như đôi chim non tung tăng trên những loang lổ phố phường của một xã hội mới đầy đen thui và cỏ rác. Sống trong vũng đen nầy, hạnh phúc tôi là ngày tháng đợi chờ. Dù thế, trong tôi canh cánh niềm lo âu. Chàng ở bên kia, miếng cơm giấc ngủ. Nơi phồn hoa kia chàng có khi nào nghĩ đến tôi.Tôi mong cho chàng có những ngày vui. Lo quá, chàng còn quá trẻ. Có khi tôi có ý nghĩ điên khùng, mong chàng có được một người yêu, thiết tha như tôi yêu chàng.

Nói thì dễ, nhưng giá như chuyện xẩy ra thật làm sao tôi chịu nổi niềm đau. Nơi đây, tôi như một cánh hoa lạc lõng mà bướm ong cứ mãi vườn quanh, chập chờn, dòm ngó.

Thời gian chờ đợi luôn đem đến cho tôi những cảm tưởng hầu như năm tháng đang dây dưa thêm, kéo dài ra để trêu tức lòng kiên nhẩn và sức chịu đựng. Ở bên kia, chàng làm gì" Sống ra sao " Lâu lắm rồi bặt tin. Những lá thư thưa dần và nhạt dần. Tôi lo lắng và nôn nóng quá. Bao lần tôi tìm cách thoát ly, mạo hiểm, vượt biên. Oâi, sợ quá, những tin đồn về chết chóc và cướp biễn làm tôi chùng lại. Cứ thế, những chờ mong đi hoài, mịt mờ.

Một ngày, trời tháng năm, ửng hồng cơn nắng bằng một tin vui, tôi sẽ lên đường, qua Mỹ đòan tụ cùng chồng. Sung sướng quá, những tia nắng hồng nhảy nhót tung tăng phơi phới cả lòng mẹ con tôi. Nước Mỹ hoa lệ đang hiển hiện trong tâm tư. Không bao lâu nữa chúng tôi sẽ thoát ly khỏi nơi nầy và một trời hạnh phúc mới đang chờ đợi. Tôi thật bận bịu với chiếc áo mới, lòng đầy ắp cái sung sướng như cô gái sắp về nhà chồng. Diễm phúc quá cho tôi được thêm một lần nữa sang sông mang niềm vui mới. Quá vui cho tôi từng giây phút ngọc ngà. Luồng gió mới đang ào tới vun trồng cây hạnh phúc thiết tha đậm đà. Tôi đang đi vào những con đường hoa xuân đang rộ nở.

Rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, mẹ con tôi đến Mỹ sau 24 giờ không hành. Ơû trên cao tôi vẫn nhìn xuống, nơi kia bóng chồng tôi đang mong đợi. Tôi nhìn lại chiếc áo mới mình và đứa con gái cưng, hy vọng chồng tôi sẽ hài lòng sau hơn 10 năm cách biệt. Tôi chú tâm từng giây phút, máy bay lướt nhẹ và chạm bánh.

Bây giờ tôi biết chắc đôi chân mình trên đất tự do và tự do thực. Tôi nhẹ bước, nhìn đằng trước, kìa bóng giáng một người Việt Nam, chồng tôi. Tôi thật hồi hộp quá. Biết nói với chàng câu gì " Lời gì " Hay chỉ là nước mắt " Giây phút đó, tôi không là tôi nữa. Tôi như làn gió nhẹ, như ánh trăng mơ hay như một mảnh sương. Tôi không muốn tôi có trí khôn, có tư tưởng hay là gì gì. Tôi chỉ muốn như một ngọn cỏ thơm, vô tư trọn lành đón lấy một thứ hạnh phúc mà không ngôn ngữ nào có thể diễn tả nổi.

Bước qua khỏi con đường hầm, dáng người đàn ông rỏ ra nhưng mắt tôi nhòe lệ. Một người đàn bà vội bước tới.

"Chào chị, tôi là vợ anh H."
Đôi mắt tôi dường như tóe lửa, tôi không còn là tôi nữa.
. . .
Tỉnh dậy từ căn phòng trắng trong bịnh viện xa lạ, tôi từ chối không muốn gặp ai. Một bình hoa tươi bên cạnh đó, tôi không màng nghĩ đến. Tôi như đi qua một cơn kinh hòang. Tôi ước mong giờ nầy, ngay lúc nầy có cơn động đất thật lớn. Tôi muốn hóa thân, biến đổi. Một con sâu hay một con chuột chắc là sướng hơn.

Tôi không thiết tha một thứ gì. Tôi muốn nằm xuống nhắm mắt lại, mong sao không có gì trong cơn mộng mị. Chỉ một giây lát thôi mà cơn mơ dài hơn mười năm tan theo bọt bèo. Có còn gì để nói, có còn gì để mà hờn trách. Quanh đây, xa lạ và xa lạ. Tôi đang rơi, rơi dần vào một hố sâu, sâu thăm thẳm.

Những tháng năm buồn đi qua. Nếu không có bé Nh. thì đời sống tôi có nghĩa gì"

Vì bé, bé làm cho tôi sống. Tiếng mẹ hằng ngày của bé tạo trong tôi một sức sống mới. Dần dà, tôi không biết chàng là ai nữa. Có khi tôi cũng tự trách mình, hơn mười năm cưu mang một giấc mộng. Trung trinh với tình, để làm chi" Phong tục tập quán, tứ đức, tam tòng, ôi thôi... Tôi như kẻ bị đánh lừa bởi thứ đạo đức kia, những thứ đó có đến đây mà hứng chịu cho tôi những nỗi đau chia lìa phụ bạc.

Đã 25 năm rồi đi qua. Hai mẹ con chúng tôi hủ hỉ bên nhau. Bé càng lớn, càng đẹp và cảm thông nỗi đau của mẹ, niềm an ủi duy nhất của tôi, người đàn bà với mối tình đau trên quê người vàng son. Chàng, ở một nơi nào đó, cơ hồ như một lãng quên trong tôi.

Nguyen Billy Xuong











Alphonse de Lamartine:"L'isolement"
Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne, Au coucher du soleil, tristement je m'assieds;
Je promène au hasard mes regards sur la plaine,
Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

Ici, gronde le fleuve aux vagues écumantes,
Il serpente, et s'enfonce en un lointain obscur;
Là, le lac immobile étend ses eaux dormantes
Où l'étoile du soir se lève dans l'azur.

Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,
Le crépuscule encor jette un dernier rayon,
Et le char vaporeux de la reine des ombres
Monte, et blanchit déjà les bords de l'horizon.

Cependant, s'élançant de la flèche gothique,
Un son religieux se répand dans les airs,
Le voyageur s'arrête, et la cloche rustique
Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente
N'éprouve devant eux ni charme, ni transports,
Je contemple la terre, ainsi qu'une ombre errante
Le soleil des vivants n'échauffe plus les morts.

De colline en colline en vain portant ma vue,
Du sud à l'aquilon, de l'aurore au couchant,
Je parcours tous les points de l'immense étendue,
Et je dis : Nulle part le bonheur ne m'attend.

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières ?
Vains objets dont pour moi le charme est envolé;
Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,
Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé.

Que le tour du soleil ou commence ou s'achève,
D'un œil indifférent je le suis dans son cours;
En un ciel sombre ou pur qu'il se couche ou se lève,
Qu'importe le soleil? je n'attends rien des jours.

Quand je pourrais le suivre en sa vaste carrière,
Mes yeux verraient partout le vide et les déserts;
Je ne désire rien de tout ce qu'il éclaire,
Je ne demande rien à l'immense univers.

Mais peut-être au delà des bornes de sa sphère,
Lieux où le vrai soleil éclaire d'autres cieux,
Si je pouvais laisser ma dépouille à la terre,
Ce que j'ai tant rêvé paraîtrait à mes yeux ?

Là, je m'enivrerais à la source où j'aspire,
Là, je retrouverais et l'espoir et l'amour,
Et ce bien idéal que toute âme désire,
Et qui n'a pas de nom au terrestre séjour !

Que ne puis-je, porté sur le char de l'aurore,
Vague objet de mes vœux, m'élancer jusqu'à toi,
Sur la terre d'exil pourquoi resté-je encore ?
Il n'est rien de commun entre la terre et moi.

Quand la feuille des bois tombe dans la prairie,
Le vent du soir s'élève et l'arrache aux vallons;
Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie
Emportez-moi comme elle, orageux aquilons



Tôi mê bài thơ nầy khi học lớp đệ nhất B, Quốc Học Huế
Khi vào thi vấn đáp, cụ Khánh, thầy giám khảo hỏi tôi ngay bài
Nầy và tôi đã trúng tủ; tôi nhớ nó đến muôm đời. Nay nhờ Internet
Tôi tìm lại được và dịch ra như sau:

Từng tia nắng chết dần theo triền núi
Bên gốc đa tôi ngồi nhớ bâng quơ
Dưới chân tôi đồng nội mướt xanh mờ
Hàng cây đứng buồn phiền không lay động

Nơi xa xa dòng sông vờn quạnh sóng
Cuộn quanh co và mất hút biệt mù tăm
Mặt hồ kia cơn sóng lượn âm thầm
Từ xa tít chòm sao hôm lúp lóe

Từng dốc núi khom lưng buồn lặng lẽ
Nắng hanh vàng lạc lõng phía trên cao
Góc trời xa bãng lãng trắng phau phau
Hằng nga đã theo mây về từng bước

Lấu thánh giá vang âm lời cao vút
Chuông chiều rơi gờn gợn đến ngân nga
Lời thiêng liêng cuộn trong gió giao hòa
Người lữ khách thầm nghe lời phước hạnh

Cảnh vật đẹp nhưng lòng tôi canh cánh
Hồn tôi vương từng quạnh vắng hững hờ
Cúi đầu xuống, thấm thía kiếp bơ vơ
Nắng kẻ sống sao sưởi lòng kẻ chết




Lòng vương vấn giũa núi đồi trùng điệp
Trong hoang vu tôi chỉ thấy hoang vu
Không gian xa chỉ thấy có sương mù
Tôi không thấy có nơi nào hạnh phúc




Tất cả đã nát khi long tôi tan nát
Dù đền đài, thung lũng đẹp như tranh
Dù dấu yêu từ hố thẳm rừng xanh
Với tôi  là sa mạc khi người yêu vắng bóng

Tôi vẫn mãi từ đây ôm tuyệt vọng
Chẳng cần chi tôi vẫn chẳng cần chi
Khung trời xanh nhuộm xám nét xuân thì
Mặc cho gió trôi đi theo ngày tháng

Tôi sống gượng bao ngày theo năm tháng
Lẽ loi đời, trống vắng và trống vắng thôi
Dù ước mơ nhưng tất cả hết rồi
Cả vũ trụ không còn gì đáng kể

Có phải chăng bên kia thềm trần thế
Và mặt trời sót lại ánh hào quang
Cho tôi xin giây phút được phai tàn
Và xin nhận ngàn lần không luyến tiếc

Xin sống lại niềm yêu thương tha thiết
Cho hồn tôi ngập lặn suối hồn mơ
Và lặng lẽ tôi theo về diễm tuyệt
Nơi trần gian không hề có bao giờ



Tôi vẫn ước về nét xưa thuở trước
Cùng bên em diễm tuyệt của lòng tôi
Trần gian nầy có chi mà tiếc nuối
Đối với tôi chỉ là  tang thương thôi

Từng lá úa rơi đều trên cỏ mượt
Gió chiều về trôi dạt đến nơi đâu
Tấm thân tôi như chiếc lá phai màu
Mặc cho gió trôi đi về vô tận./.

Nguyển B. Xuong
(Viết lại theo trí nhớ từ 50 năm)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét